Gặp gỡ tháng 3 là triển mỹ thuật do họa sĩ, diễn viên Lương Giang, người sáng lập Trung tâm Megan Art (Hà Nội), tổ chức từ ngày 25 - 31.3 tại Hà Nội; trưng bày 200 tác phẩm của nhiều họa sĩ, trong đó có 40 tác phẩm hội họa của 8 trẻ tự kỷ.
200 bức tranh trong triển lãm Gặp gỡ tháng 3 là tranh sơn dầu trên toan, màu nước, lụa được thể hiện với nhiều phong cách, là những hình ảnh đời thường quen thuộc; khi thì là một nét tường rêu phủ trong con ngõ vắng, một chiếc xe đạp cũ chở những đóa hoa xuân vào phố, lúc lại là hình ảnh phố xá tấp nập ngược xuôi mưu sinh.
Đó còn là những cánh đồng đầy hoa tím nở trên triền núi, dọc thung lũng Mường Hoa; những nhành mai mùa xuân đua nhau khoe sắc dưới màu xanh trầm lặng của núi, của rừng, những con đường tháng 3 Tây Bắc đỏ trời hoa gạo nở...
Một triển lãm đặc biệt
Cuộc triển lãm này rất đặc biệt, vì ngoài các bức tranh của của 11 họa sĩ là thầy cô giáo của Trung tâm Megan Art còn có 40 bức tranh của 8 học sinh trong một lớp học đặc biệt, lớp học nghệ thuật của 8 học sinh mắc hội chứng tự kỷ, bao gồm: Nguyễn Trung Hiếu (sinh năm 1999), Vũ Đỗ Tuấn Duy (sinh năm 2007), Nguyễn Văn Duy (sinh năm 2008), Trịnh Khánh Hiền (sinh năm 2000), Nguyễn Hoàng Đan (sinh năm 2005), Phạm Khôi Nguyên (sinh năm 2004), Thái Bình Phú Gia (sinh năm 2011). Đây là những học sinh trong lớp vẽ thiện nguyện do họa sĩ Lương Giang sáng lập từ 5 năm trước.
Tranh của tác giả Vũ Đỗ Tuấn Duy (sinh năm 2007) - một trong 8 học sinh tham gia triển lãm mỹ thuật Gặp gỡ tháng 3
Trong buổi triển lãm, họa sĩ, diễn viên Lương Giang cho biết: Triển lãm Gặp gỡ tháng 3 lần này là dịp để khán giả chiêm ngưỡng thành quả trong rất nhiều năm nghiên cứu, tích lũy của các họa sĩ Trung tâm Megan Art. Đó cũng là những trải nghiệm tâm tư của các học viên, cảm xúc tình cảm, ước mơ của các bạn nhỏ trong lớp vẽ thiện nguyện.
Tranh của tác giả Nguyễn Trung Hiếu (sinh năm 1999), học sinh tham gia lớp học đặc biệt của họa sĩ Lương Giang
Cô tâm sự: "Dạy trẻ tự kỷ học vẽ những ngày đầu vô cùng khó khăn, có học sinh đưa bút thì bẻ bút gãy, lại có những em nằm dài ra sàn không chịu học, một số bạn còn làm cho cô giáo bị thương… Chúng tôi mất khoảng 3 tháng, 1 tháng đầu để các con hòa nhập với các thầy cô giáo và sau đó mới học vẽ.
Các thầy cô giáo tại trung tâm cũng phải học hỏi từ bố mẹ của các bạn tự kỷ như mua những cuốn sách, tìm hiểu những đặc trưng, cách thức tiếp cận như thế nào, khen thưởng, kỷ luật ra sao để các bạn có thể hợp tác với thầy cô và bố mẹ tốt nhất. Các bạn trẻ tự kỷ cần nhẹ nhàng, yêu thương, kiên trì, kiên nhẫn nên chúng tôi phải lựa chọn những giáo viên phù hợp".
Trong 5 năm qua, lớp học thiện nguyện dạy vẽ của họa sĩ, diễn viên Lương Giang cũng đào tạo được rất nhiều khóa học dành cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có lớp dành riêng cho trẻ em tự kỷ. Cô mong muốn lớp học hội họa này luôn là nơi của tình yêu, của lòng đam mê nghệ thuật và còn là động lực để các học viên tự tin, nhận ra giá trị của mình, được làm việc có ý nghĩa, sau này có thể cống hiến được tài năng nghệ thuật dù ít, dù nhiều cho xã hội.
Hội họa là một kênh giao tiếp quan trọng
Chị Trần Thị Mến (49 tuổi), phụ huynh có con trai là trẻ tự kỷ tham gia lớp học thiện nguyện của Trung tâm Megan Art, cho biết: "Con trai tôi phát hiện bị tự kỷ từ lúc hơn 20 tháng tuổi; hiện nay con đã 19 tuổi. 19 năm qua là khoảng thời gian mà tôi luôn đồng hành cùng con trên mọi mặt trận. Thông qua học vẽ, tôi muốn con có nhiều tương tác giao tiếp với mọi người để con thấy vui vẻ hơn.
Vẽ giống như một hình thức trị liệu giúp bạn ấy thư giãn, tập trung hơn. Hôm nay, con cũng có 2 bức tranh để tham gia triển lãm và đợt tới con cũng sẽ tham gia một triển lãm tranh nữa. Mục đích tôi cho con tham gia triển lãm nhằm truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về hội chứng tự kỷ, để mọi người cùng chia sẻ, đón nhận, hỗ trợ các con vì nhiều người chưa nhận thức đúng về trẻ tự kỷ.
Ngoài học vẽ, tôi cho con tham gia chơi đàn piano, các hoạt động thể thao khác như bóng bàn, patin, cầu lông, bơi, chạy bộ. Con nổi trội nhất là chơi piano".
Anh Khanh, phụ huynh của một trong 8 bạn tham gia lớp học nghệ thuật đặc biệt, chia sẻ trong buổi triển lãm: "Con tôi mắc chứng tăng động giảm chú ý từ bé. Đến lớp học hội họa của họa sĩ Lương Giang, được các thầy cô ân cần chăm sóc, uốn nắn từng nét cọ, dạy từ cách pha màu, dạy cả cách kiềm chế cảm xúc, con tiến bộ rõ rệt, học hỏi được nhiều kỹ năng hơn. Ngoài học vẽ, con cũng thích tham gia một số hoạt động thể thao như bóng đá, bơi, chơi đàn".
5 năm qua vượt qua bao khó khăn về kinh tế do dịch bệnh mang đến, họa sĩ, diễn viên Lương Giang vẫn cố gắng duy trì đều đặn lớp học thiện nguyện dành cho trẻ tự kỷ, với mong muốn hội họa chính là kênh giao tiếp quan trọng của những học viên mắc chứng tự kỷ đối với mọi người xung quanh.
Theo Báo Thanh Niên
10-04-2023