Văn học nghệ thuật luôn đồng hành cùng dân tộc

Thứ năm, ngày 17-08-2023, 09:37| 842 lượt xem

Tân Trào

 

Có một câu chuyện nghe kể thế này: Dịp ấy, Tổng thống Mỹ đã có lịch tiếp một nguyên thủ của một quốc gia đến thăm. Tuy nhiên, khi đến giờ tiếp đón, ông lại nhận được thông tin một nghệ sĩ múa bale muốn xin gặp ông. Không cần nghĩ ngợi lâu, ông liền cho lùi thời gian tiếp kiến nguyên thủ kia để dành thời gian gặp gỡ nghệ sĩ múa bale. Nghe đâu, ở Mỹ, họ luôn trân trọng tài năng, đặc biệt là những người làm nghệ thuật.

Ở cao nguyên Thanh Hải (Trung Quốc), nơi diễn ra cuộc Liên hoan thơ quốc tế, quy tụ nhiều gương mặt nhà thơ lớn trên thế giới đến với vùng đất này. Tại đây, người ta cho dựng lên một bức tường thành bằng đá dài 50m, cao 5m, trên đó được khắc chân dung và những câu thơ hay của các nhà thơ trên khắp thế giới. Đó là việc làm có ý nghĩa, nhằm tôn vinh các nhà thơ. Trung Quốc cũng mong muốn thông qua cuộc liên hoan thơ quốc tế này để lưu giữ lại những di sản nghệ thuật cho các thế hệ mai sau.

Dù nhìn ở góc độ nào, thời nào thì văn học, nghệ thuật vẫn luôn là những gì tinh túy nhất của văn hóa. Có người ví von rằng, nếu văn hóa là cái cây thì văn học, nghệ thuật là những đọn búp non ở đầu cành. Người ta có thể nhìn vào ngọn cây có tươi non không, có héo úa không… để đánh giá đúng về tình trạng sức khỏe của cây ở từng thời điểm nhất định.

Trong suốt mấy chục năm qua, các văn nghệ sĩ ở Việt Nam đã luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị. Đặc biệt, ngay trong bối cảnh lịch sử, khi đất nước chưa thống nhất, các văn nghệ sĩ, nhà văn hóa lớn của dân tộc đã tham gia cách mạng, tham gia cuộc trường chinh qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và chống đế quốc Mỹ. Trong số đó, không ít văn nghệ sĩ đã anh dũng hi sinh, xương thịt nằm lại trên các rẻo đất từ Nam ra Bắc.

Đảng luôn nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của văn học, nghệ thuật; những đóng góp tích cực của giới văn nghệ sĩ. Do vậy, khi nước nhà mới giành được độc lập chưa lâu, ngày 25/7/1948, tại Hội nghị Văn nghệ toàn quốc trong vùng Chiến khu Việt Bắc thời kháng chiến chống thực dân Pháp, Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam ngày nay đã chính thức được thành lập, với sứ mệnh cao cả là tập hợp toàn bộ giới văn nghệ sĩ cả nước đoàn kết xây dựng nền văn nghệ cách mạng, góp phần cùng toàn dân thực hiện các nhiệm vụ của cách mạng và kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong thư gửi Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ 2, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Văn hóa cần đi sâu vào quần chúng lao động, sáng tác lưu lại để đời (cho hôm nay và mai sau, cho công chúng trong nước và quốc tế) những tác phẩm văn học, nghệ thuật xứng đáng với truyền thống và sự nghiệp vĩ đại, những trang vàng của lịch sử dân tộc”. Người cũng từng khẳng định rằng: “Văn hóa, Nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Điều đó cho thấy, Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt văn hóa, văn học, nghệ thuật trong một vị trí quan trọng đối với cách mạng, với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ sự quan tâm, ghi nhận và tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ có điều kiện, không gian sáng tạo nghệ thuật. Nhờ vậy mà đất nước đã có được những gương mặt văn nghệ thực sự tiêu biểu, những văn nghệ sĩ hàng đầu đã có công xây dựng, lãnh đạo tổ chức Liên hiệp qua các thời kỳ, như: Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Trần Hữu Trang, Lưu Hữu Phước, Bảo Định Giang, Trần Hoàn, Vũ Giáng Hương, Hữu Thỉnh…

Cùng với hai tỉnh là Thái Nguyên, Phú Thọ thì Tuyên Quang cũng là nơi đặt trụ sở và hoạt động lâu nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam. Các thế hệ văn nghệ sĩ lớn đều đã từng hoạt động, sáng tác ở đây.

Tổ chức văn nghệ Việt Nam ngày nay đã lớn mạnh, tập hợp hơn 40.000 văn nghệ sĩ, thuộc 5 thế hệ ở các chuyên ngành: Văn học, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh, kiến trúc, múa, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số…, sinh hoạt trong 10 Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và 63 Hội Văn học Nghệ thuật ở các tỉnh, thành trong cả nước.

Vừa qua, giới văn nghệ sĩ cả nước thực sự vui mừng khi Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỉ niệm 75 năm thành lập tại Nhà hát lớn, Hà Nội. Đây là sự kiện vừa mang ý nghĩa chính trị vừa mang ý nghĩa văn hóa. Nhưng, vui mừng hơn cả là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và chia vui cùng các văn nghệ sĩ.

Trong bài phát biểu tại Lễ kỉ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm của Dân tộc, văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã hun đúc nên một truyền thống sâu sắc và độc đáo. Đó là nền văn hóa, văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với Nhân dân và Dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước... Không phải ngẫu nhiên mà Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các hội chuyên ngành đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý, đặc biệt là Huân chương Sao Vàng - huân chương cao quý nhất của nước ta. Đó là sự ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với hoạt động của đội ngũ văn nghệ sĩ”.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện hơn nữa cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo, gắn bó máu thịt và luôn đồng hành cùng dân tộc, người đứng đầu Đảng ta đã đề nghị: “Các cấp uỷ đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa, văn học nghệ thuật trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn luôn cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật thông qua các cơ chế, chính sách, như: Hỗ trợ tài chính, mở trại sáng tác, đi thực tế, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các tài năng văn nghệ; huy động mọi nguồn lực, cả về vật chất và tinh thần, để văn hóa, văn học nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và cống hiến nhiều hơn nữa trong những năm tới. Phải coi đây vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm, xuất phát từ yêu cầu của cuộc sống, là sự nghiệp chung của tất cả chúng ta”.

Trong từng bối cảnh cụ thể khác nhau, nhưng có thể thấy, Đảng, Nhà nước luôn coi giới văn nghệ sĩ là đội ngũ “tiên phong” trên mặt trận văn hoá, tư tưởng, có sức ảnh hưởng to lớn đến xã hội, với sự tồn vong của dân tộc. Và, văn học, nghệ thuật vẫn đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng dân tộc. Thực tế đã chứng minh rất  rõ về điều này trong suốt hai cuộc kháng chiến đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

T.T

Tin tức khác