Truyện ngắn của Đinh Công Thủy
Giá như, gã cứ chuyên tâm vào cái nghề chạy xe ôm một cách thuần túy thì chả đến nỗi.
Gã hơn tôi 2 tuổi. Biết nhau đã ngót nghét chục năm. Mà phải gọi là bạn nhậu mới phải. Những thằng hay rượu thường dễ nhận ra nhau giữa đám đông, thiên hạ vẫn nói thế. Tôi để ý đến gã trong một cuộc nhậu. Rồi quen. Cái nết nhậu của gã khiến nhiều người xanh mặt. Tửu lượng của tôi vào loại chẳng vừa, nên thấy nó bình thường. Nhiều lần phải đưa gã về xóm trọ, cảm giác như đèo cái bao tải cát, dẹo dọ và nặng nề. Có bận vật gã xuống giường, thấy đũng quần ươn ướt...
Nghe kể, thời đôi mươi, gã phiêu bạt tận trong Đắc Lắc, chạy xe Reo chở gỗ cho cái lâm trường Ea..gì đó, khá phong lưu. Gã kết bạn với đám anh Hai Sài Gòn, sống phóng khoáng và buông thả. Làm ngày nào nhậu hết ngày đó. Tỉnh rượu lại cày. Cứ thế, không tính chuyện vợ con, chỉ có những cuộc tình lúc khô cằn như bụi đất bazan, lúc ướt át như những cơn mưa rừng dai dẳng. Được mười năm, gã ra Bắc. Gã nói là chán thì tìm đến đất này, cho nó lành, vậy thôi. Nhưng trước đấy, ở cái lâm trường Ea..gì đó, nghe nói có vụ lộn xộn, dân giang hồ thanh toán chuyện nợ nần với nhau bằng mã tấu. Báo có đăng, không ai thiệt mạng. Ầm ĩ một dạo, rồi cũng thôi, không ai nhắc đến nữa.
Gã thuê một gian trong xóm trọ, "đặc khu" của những cô ả ăn sương tứ chiếng giang hồ. Còn ít tiền, gã ngồi gãi râu nghĩ kế, chán lại nằm nghe những bài hát sến xẩm, nẫu hơn canh dưa. Tất nhiên, ngày không quên ba bữa nhậu. Được cái gã rất khéo nấu nướng, những thứ bình dân như đọan lòng già, cục tiết đông hay con cá mắm, gã đều có thể chế biến thành những món nhậu bắt mắt và khá ngon lành. Đôi khi chỉ vài quả ổi xanh, gã không lấy làm buồn.
Tôi bảo: "Sẵn nghề, sao không đi mà lái thuê, lương cũng khá.". Gã cười cười: "Đếch có bằng, miền trong, lâm trường tận xó rừng, học vài ba hôm, cứ thế chạy bừa, ai phạt. Yên tâm, tao có cách.".
Mà xem ra cái cách của gã cũng khá hợp lý. Gã mua cái xe Angel cũ, sửa sang lại hết dăm triệu, vậy là có phương tiện hành nghề. Cái nghề xe ôm ở xó núi này cũng ít sự cạnh tranh, mà giả có va chạm, khối thằng phải sợ gã, chắc chắn.
Gã không ra đứng đường như cánh xe ôm. Gã bảo: "Tao chả thèm tranh cướp khách vãng lai làm gì, mệt. Tao chuyên chở "hàng", ngày kiếm vài "lít", ngon lành cành đào.". Xóm trọ nơi gã ngụ có đến vài chục gái ăn sương hạng bình dân. Tối tối, các ả túa đi nhà nghỉ, khách sạn..làm việc. Nửa đêm lục tục kéo về. Gã rất chịu khó, tận tình đưa rước cái đám ấy, cả đi, cả về, cả...chạy sô, có tối gã kiếm hai, ba trăm bạc. Các ả ấy cũng chả muốn ló mặt ra đường vào ban ngày, vậy là gã kiêm luôn chân khi thì mua bát phở, khi chai dầu gội đầu, khi thì cả cái loại...có cánh. Gã chẳng nề hà. Trả công hẳn hoi đấy, rất sòng phẳng. Lắm lúc nghe trong điện thoại cứ anh anh, em em, bố bố con con, rối hết cả lên. Bởi thế nom gã rất nhàn. Ban ngày vẫn có thời gian gãi râu, nghe những bài hát sến xẩm, chửi đổng vài câu rồi...nhậu. Thế nhưng gã vẫn quen cái thói anh Hai Sài Gòn. Tiền kiếm cũng khá, nhưng chỉ chăm chăm vào...nhậu, lại nữa, gã rất mê lô đề. Trong căn phòng của gã có thêm cả sự bừa bộn của những cuốn sổ mơ, thơ đề, kết quả..vv. Có hôm, tôi thấy gã chồm hỗm trước một đống các con số, như đang giải một bài toán hóc búa, cứ ngơ ngẩn, bần thần. Cứ chập tối, đố ai nhờ được gã việc gì, bởi lúc đó đang là...giờ cao điểm.
Một lần, tôi nhận được tin nhắn của gã: "Mày gặp tao ít thôi, nhá.". Tự ái nổi lên, tôi không thèm trả lời, đương nhiên cũng không thèm gặp, trong bụng nghĩ rất nhiều điều cay nghiệt.
Bẵng đi một dạo, tôi lại nhận được tin nhắn, vẫn của gã: "Dạo này khỏe không? Tao chết rồi, nhục quá!". Hỏi ra mới biết, trong một lần hiếm hoi chở khách vãng lai, xe gã bị cảnh sát giao thông tuýt còi. Thế quái nào mà trong người cái thằng khách lại có mấy tép hê rô in, mà thế quái nào công an họ thử nước tiểu của gã lại thấy có vấn đề, và kết cục: gã bị đưa sang công trường 06 đập đá. Thời gian: 2 năm. Ra cái sự gã bảo tôi gặp ít thôi là có lý do cả. Gã sợ tôi bị liên lụy, chả gì tôi cũng là cán bộ nhà nước. Đến nước này thì tôi bực thật, dù biết chắc gã chả phải loại nghiện ngập gì, chắc phởn lên, đua đòi a dua tí ti. Tôi nhắn tin trả lời:"Kệ xác nhà ông". Gã phản hồi: "Mua tao cây Thăng Long, gửi con H hàng xóm, đừng gặp tao.". "Con H hàng xóm" của gã cũng là gái ăn sương, quê Thanh Hóa...
Rất lâu sau, tôi nhận được tin nhắn: "Ra tao nhậu, về lâu rồi.". Tôi tìm đến gã theo một địa chỉ khác, một căn nhà độc lập trong hẻm, mặt tiền trông ra cánh đồng, cánh cổng bằng sắt mới sơn, mùi xăng còn nồng nặc. Gã đang ngồi gãi râu xem bóng đá. Dưới bếp, "con H hàng xóm" đang băm chặt, xào nấu thơm lừng. Gã thủng thẳng: "Nhà thuê thôi, con H về ở cùng, tuần sau đăng ký, nhờ mày chụp cho mấy cái ảnh.".
Giờ gã bỏ nghề xe ôm, vợ chồng gã mở quán bán trà đá bên bờ hồ. Khá đông khách. Suốt ngày gã tất bật đun nước, rửa cốc, lau bàn, chả có thời gian gãi râu, nghe những bài hát sến xẩm. "Con H hàng xóm" sắp đến kỳ nằm ổ, cái bụng vượt mặt, nhọn hoắt. Gã cười nhăn nhở: "Con trai nhá.".
Chả biết 2 năm đập đá bên công trường có khiến gã mở mắt ra không, nhưng thôi thế cũng lấy làm mừng.