Vũ Anh Tuấn - Một tình yêu với nhiếp ảnh

Thứ ba, ngày 18-06-2024, 10:21| 1.201 lượt xem

Thèn Hương

 

Gần 12h trưa, thầy và trò say sưa thảo luận trong lớp học quên giờ nghỉ, đó chính là ấn tượng khó phai tại lớp bồi dưỡng nhiếp ảnh do Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang tổ chức. Với quan niệm: “Nhiếp ảnh không có nghĩa đi chụp hời hợt bên ngoài mà càng chi tiết bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Ảnh phải đạt 3Đ: Đúng - Đẹp và Độc” của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn đã khái quát đầy đủ và mở ra một hướng nhìn độc đáo, sáng tạo cho mỗi nghệ sĩ nhiếp ảnh.

 

Những bức ảnh để đời

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn nguyên là phóng viên của Báo Nhân Dân. Ông là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đạt tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh đặc biệt Xuất sắc EVAPAG. Hiện nay ông đang giữ vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Năm 2012, triển lãm ảnh “Cảm xúc Trường Sa” tại Hà Nội với 68 bức ảnh được trưng bày của nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn đã gây được tiếng vang. Mỗi bức ảnh là khoảnh khắc đắt giá, câu chuyện cảm động về vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ở đó có những người lính kiên cường bám trụ, sẵn sàng hi sinh cho biển đảo quê hương. Ở đó có những người dân dù khó khăn, gian khổ vẫn bám biển, xây đắp hạnh phúc lứa đôi, dựng xây cuộc sống nhiều màu sắc. Qua ống kính của Vũ Anh Tuấn, Trường Sa hiện lên thật thân thương, gần gũi. Người xem được ngắm nhìn cột mốc chủ quyền trên đảo nhỏ, hình ảnh nhà giàn vươn cao giữa sóng và mây, là lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay trên rặng đá san hô giữa biển trời lồng lộng, những người lính đảo trẻ trung, yêu đời, là người mẹ trẻ đưa đứa con mới vài tháng tuổi trở về biển đảo, thậm chí bức ảnh ông chụp chú chó nhỏ, đàn vịt hay những luống rau xanh non cũng đủ dâng trào cảm xúc.

Ông cho biết, trong mười ngày ở Trường Sa, ông phải tranh thủ từng chút một tất cả thời gian tận dụng được: lên tàu, ra boong, xuống xuồng… gần như mỗi chuyển động, mỗi xê dịch, mỗi góc nhìn đều được ghi lại. Ông thức dậy từ 4 giờ sáng, săn từng đám mây, đợi từng tia nắng, vệt sóng... để tạo nên những bức ảnh phong cảnh đầy chất hội họa như bức tranh sơn mài. Ngôn ngữ nhiếp ảnh của ông giản dị, phóng khoáng, bố cục chắc, khỏe, không sử dụng kỹ xảo, tất cả đều trung thực mà vẫn khiến người xem vỡ òa cảm xúc.

Bên cạnh bộ ảnh về Trường Sa, ông còn nhiều bộ ảnh “để đời” khác như: “12 giờ”, “Giếng làng” và vô số ảnh đơn xuất sắc. Tiêu biểu như: “Huyền ảo Sa Pa”, Giải B xuất sắc Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam năm 1995, Huy chương Đồng quốc tế Epson 2010 Pano Awards. Bức ảnh “Tung cánh”, được trao Giải C ảnh xuất sắc của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam năm 1997, Huy chương Bạc Quốc tế tại Đức năm 1997. Bức ảnh “Cuộc sống” giành Huy chương Vàng Quốc tế tại Tây Ban Nha năm 2000. Bức ảnh “Dáng Biển” giành Giải Nhất triển lãm ảnh tại Indonesia năm 2008…

Không chỉ đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật, ông còn là phóng viên ảnh báo chí kỳ cựu. Mỗi bức ảnh báo chí của ông khiến người đọc nhìn ngắm rất lâu. Bộ ảnh “Tiếng nói từ trái tim” của Lãnh tụ Cuba Fidel

Castro nói chuyện với sinh viên trường đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2003 cùng bộ ảnh “Kỷ niệm không quên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp” tại buổi gặp mặt các anh hùng, chiến sĩ Điện Biên ở Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) năm 2003 là ví dụ điển hình. Đối với ông, ảnh báo chí đề cao tính thông tin, tính hiện thực nhưng ảnh nghệ thuật lại tập trung xây dựng hình tượng, buộc người nghệ sĩ phải tư duy về cuộc sống, con người. Kỹ năng nắm bắt từng khoảnh khắc giúp anh sáng tạo nên những khuôn hình độc nhất.

Câu chuyện phía sau khoảnh khắc

Đối với nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn, đằng sau mỗi bức ảnh đều có câu chuyện. Chuyện đời, chuyện nghề, tất cả đều ở đó. Sự nghiệp nhiếp ảnh của ông nở hoa từ đam mê và tình yêu đặc biệt. Thời gian đầu, để có tiền mua sắm phương tiện hành nghề, ông đã bán đi nhiều đồ đạc quý giá. “Ăn nhiếp ảnh, ngủ nhiếp ảnh” là câu nói cửa miệng của ông. Nghĩa là đối với mỗi nghệ sĩ nhiếp ảnh đích thực, việc lựa chọn chủ đề, đề tài cho bức/bộ ảnh, chú thích ảnh phải là ý thức thường trực. Có những bức ảnh chụp về phải mất hàng tuần mới nghĩ ra được chú thích. Ảnh đẹp nhưng chú thích cũng phải hay và phù hợp mới khiến người xem nhớ mãi về nó.

Ở bộ ảnh về Trường Sa, ông đã suy nghĩ rất nhiều để có những chú thích ảnh đáng nhớ như: “Bao la biển trời”, “Bình minh trên đảo”, “Giọt nắng biển Đông”, “Chủ quyền”, “Vẽ sóng”, “Tổ quốc gần bên”, “Nhịp điệu”, “Lấp lánh sóng”, “Hương quê trên đảo”, “Đảo nhỏ có khách”, “Phút tâm tình”, “Lưu luyến phút chia tay”, “Chuyện của hai người”...

Ông cho biết, nhiều người cầm máy hiện hay thường nghĩ phải chờ thời tiết đẹp, đến nơi danh lam thắng cảnh đẹp mới có ảnh đẹp. Ông có quan niệm rất khác, rằng khi chụp không nên bị gò bó, đóng khung bởi lý thuyết, quan trọng là khoảnh khắc đó có chạm được đến trái tim của người xem hay không. Đôi khi cái đẹp ở ngay quanh ta, đến từ những điều bình dị nhất như nụ cười của một đứa trẻ, những giọt mồ hôi của người lao động hoặc người lính trên thao trường…

Bức ảnh “Huyền ảo Sapa” là một ví dụ điển hình khi chụp ở thời tiết không thuận lợi. Ông kể: Khi cả đoàn nhiếp ảnh leo lên đỉnh Hàm Rồng, thời tiết bắt đầu trở gió. Lúc này những cơn gió lớn cuốn mây mù từ đèo Ô Quy Hồ ùn ùn kéo đến, tràn vào thị trấn Sapa. Đồng nghiệp của ông thấy vậy ai cũng buồn bã ra về. Chỉ riêng ông cố nán lại chờ khoảnh khắc. Bức ảnh chụp cảnh Sapa khi chưa bị đô thị hóa chìm trong mây mù, với nhà thờ trong rặng sa mu tuyệt đẹp đã trở thành bức ảnh độc nhất vô nhị, đoạt Huy chương Đồng quốc tế Epson 2010.

Bộ ảnh “Giếng làng” của ông là tập hợp của mấy chục bức ảnh, chụp ở nhiều tỉnh, thành. Ông chụp được những chiếc giếng vuông, hình bán nguyệt và nhiều hình kỳ lạ khác... Vị trí giếng cũng rất khác nhau, có những cái giếng nằm ở giữa đường. Có những cái giếng gắn với sự tích riêng, còn có miếu thờ phụng, tất cả những câu chuyện đó đều được ông ghi lại. Đó là bộ ảnh ông đã gửi Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam để đăng ký làm tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc.

Ông luôn nhấn mạnh: Người làm nhiếp ảnh nên xây dựng cho riêng mình một dự án. Dự án càng chi tiết bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Đã đeo đuổi nhiếp ảnh thì không nên hời hợt bên ngoài. Như dự án “12 giờ” ông chụp nhịp sống sôi động hằng ngày ở Hà Nội thông qua những con người đi qua cây cầu Long Biên, vào đúng 12 giờ trưa của ngày đầu các tháng đã diễn ra suốt hai năm ròng. Đây là một dự án ảnh đem lại cho người xem nhiều khoảnh khắc bất ngờ.

Quan điểm của ông là người chụp cần tránh tối đa lặp lại ý tưởng của người khác, đề tài mới bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Tuy nhiên với đề tài quen thuộc, khi chụp cần quên hết ảnh của người khác, chụp theo cảm xúc của mình, bức ảnh mới trở nên có giá trị.

Kinh nghiệm học của ông là: Phải kiên trì tối đa, theo đuổi tới cùng đề tài đã chọn. Người chụp cần chờ đợi từng vạt nắng, giọt sương, khoảnh khắc và không ngừng học. Ông chỉ ra bốn cách học cơ bản là: xem, đọc, chụp, viết. Nghĩa là người nghệ sĩ phải thường xuyên xem ảnh trên các báo, ảnh triển lãm, bức ảnh đoạt giải; nghe mọi lời bình, thậm chí là lời bình hơi chói tai từ các chuyên gia; đọc kiến thức kỹ thuật, kinh nghiệm của người khác và chụp thật nhiều để rèn kỹ năng, phản xạ. Phương châm chụp mỗi bức ảnh của ông là: Gần, gần và gần hơn nữa đảm bảo bức ảnh có bố cục chặt chẽ nhất.

“Hãy để hết tâm hồn, cảm xúc vào mỗi bức ảnh, nó sẽ trở thành những khoảnh khắc để đời có ý nghĩa lịch sử duy nhất” - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh.

T.H

Tin tức khác