Nông Quốc Chấn - Người mở đường cho văn học các dân tộc thiểu số đương đại

Thứ ba, ngày 21-11-2023, 09:49| 793 lượt xem

Nông Quốc Chấn (1923-2002) là nhà văn người dân tộc Tày. Ông là người dân tộc thiểu số đầu tiên “mang hơi thở núi rừng Việt Bắc Bắc vào thi ca”, được coi là cánh chim đầu đàn của nền văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam và là một trong số ít người dịch thơ văn từ tiếng Việt sang tiếng Tày, góp phần làm phong phú hơn đời sống văn học nghệ thuật của cộng đồng Tày, Nùng.

Trong chuyến công tác các tỉnh vùng núi phía Bắc mùa hè năm 1969, nhạc sĩ Phạm Tuyên hết sức xúc động trước tình cảm biết ơn chân thành đối với Bác Hồ của đồng bào các dân tộc ở “Thủ đô gió ngàn”, căn cứ địa cách mạng năm xưa. Cảm xúc trào dâng, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác “Việt Bắc nhớ Bác Hồ”. Ca khúc được biểu diễn lần đầu đúng dịp chuẩn bị kỷ niệm 24 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Khi đó, làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Khu tự trị Việt Bắc thường xuyên vang lên lời ca tha thiết ấy. Nhà thơ người Tày - Nông Quốc Chấn xem “Việt Bắc nhớ Bác Hồ” là bản “Việt Bắc ca”. Ông đã chuyển ngữ ca khúc này sang tiếng Tày, được đồng bào các dân tộc vùng Việt Bắc truyền nhau say sưa hát.

Nhà văn Triệu Kim Văn - Hội viên Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, hơn 50 năm qua, nghe bản lời Tày của nhà thơ Nông Quốc Chấn, lòng luôn yêu kính Bác và vững tâm đi theo con đường của Đảng: "Tôi cho rằng bài hát ấy vẫn là bài hát hay của vùng Việt Bắc, thật đáng tự hào. Thần tượng của tôi là nhà thơ Nông Quốc Chấn, từ đó tôi đã chọn con đường sáng tác".

Nhà thơ Nông Quốc Chấn (đứng) đọc thơ trong lần đến thăm gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Nhà thơ Nông Quốc Chấn (tên thật là Nông Văn Quỳnh) sớm giác ngộ cách mạng, tham gia du kích và giải phóng quân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tiếp tục hoạt động trong Mặt trận Việt Minh, tham gia Tỉnh ủy Bắc Kạn và bắt đầu hoạt động văn hóa, văn nghệ. Ông là người dân tộc thiểu số đầu tiên “mang hơi thở núi rừng Việt Bắc vào thi ca”, được xem là cánh chim đầu đàn của những người cầm bút các dân tộc thiểu số. Ông là một trong số ít người thành công trong việc dịch thơ văn từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc và có nhiều cuốn sách lý luận phê bình, nhiều bài nghiên cứu mang tính chuyên sâu về các vấn đề văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số nói riêng.

Các tập thơ tiếng Việt của Nông Quốc Chấn có thể kể đến như: Tiếng ca người Việt Bắc (1959), Người núi Hoa (1961), Đèo Gió (1968), Dòng Thác (1971), Bước chân Pác Bó” (1971), Suối và biển (1984). Thơ tiếng Tày có Việt Bắc đánh giặc, Dọn về làng, Đi Berlin về, Tiếng lượn cần Việt Bắc, Cần Phja Bjoóc, Dám kha Pác Bó.... Bài thơ “Dọn về làng” của ông đã giành giải thưởng tại Đại hội Thanh niên, sinh viên thế giới họp ở Berlin (Đức) năm 1951. Một số bài thơ cách mạng và kháng chiến của ông được Hội Văn nghệ Việt Nam trao giải thưởng năm 1954, Hội Nhà văn trao giải thưởng năm 1958 và nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

Ông Phạm Thế Thành - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn nhận xét: "Nông Quốc Chấn miêu tả thiên nhiên ở vùng Việt Bắc chúng ta rất tươi đẹp, hùng vỹ, tráng lệ. Thứ hai là hình ảnh con người Việt Bắc hiện lên dũng cảm, lạc quan, yêu đời, chiến đấu hi sinh vì cách mạng".

Trong một thời gian dài, nhà thơ Nông Quốc Chấn giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Văn hóa, đặc trách mảng miền núi, dân tộc. Một trong những công việc ông quan tâm là chăm chú theo dõi các ấn phẩm văn học được xuất bản từ các Hội Văn học - nghệ thuật địa phương. Đây không chỉ là cách giúp ông nắm bắt tình hình sáng tác, đời sống văn hóa, văn nghệ mà còn giúp phát hiện ra các tên tuổi có triển vọng từ cơ sở. Các nhà văn, nhà thơ người dân tộc như Y Phương, Lò Ngân Sủn, Cao Duy Sơn… được ông biết đến, ban đầu cũng từ các ấn phẩm địa phương. Em trai ông là nhà văn nổi tiếng Nông Viết Toại với bài thơ Lập xuân gắn với điệu then của dân tộc Tày.

Tác giả trẻ Hà Sương Thu - Hội viên Hội VHNT Bắc Kạn, Hội viên Hội VHTS Việt Nam sau khi đọc lại các tác phẩm của nhà thơ Nông Quốc Chấn cảm nhận: "Nhà thơ Nông Quốc Chấn là người con ưu tú của quê hương. Ông đã để lại hàng trăm tác phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa sắc màu dân tộc cúa núi rừng Việt Bắc, qua đó thấy được tình yêu tha thiết của ông dành cho quê hương và niềm tự hào với dân tộc mình. Chúng tôi là những người viết trẻ, đội ngũ kế cận cần bảo tồn và phát huy những thành quả mà lớp cha ông đã gây dựng nên. Tiếp nối truyền thống đó, chúng tôi lan tỏa tinh thần dân tộc để văn học DTTS trở thành một bộ phận khăng khít trong dòng chảy của văn học cách mạng Việt Nam". 

Có người ví, Nông Quốc Chấn là một “cây sào” góp phần đẩy con thuyền văn hóa vượt qua nhiều ghềnh thác và sóng gió. Ông không có “mác” giáo sư, tiến sĩ, việc ông làm là bài học thực tiễn cho các tầng lớp cán bộ văn hóa ở cơ sở. Ngày 18/11/2023 kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, cũng là 20 năm "Cánh chim Việt Bắc" về với đất mẹ, nhưng ông vẫn là tấm gương sáng về tinh thần lao động hăng say, quên mình trong mọi hoàn cảnh. Nhà thơ Nông Quốc Chấn mãi là niềm tự hào của cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Bắc và nền văn học nước nhà ngày hôm nay.

Hoàng Hiền//VOV-Đông Bắc

Tin tức khác