Nhà giáo Nguyễn Bình và những ca khúc viết về mái trường

Thứ năm, ngày 25-11-2021, 14:59| 1.137 lượt xem

Chân dung nhà giáo Nguyễn Bình

Các thầy cô giáo và học sinh trong ngành Giáo dục tỉnh Tuyên Quang rất quen thuộc với nhà giáo Nguyễn Bình bởi ông đã công tác trong ngành Giáo dục 40 năm, ông được dạy học ở nhiều thôn bản vùng miền của tỉnh như Hiệu trưởng Trường cấp 2 Bình Nhân, Chiêm Hóa, Hiệu trưởng Trường cấp 2 Kim Phú, Yên Sơn; rồi sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm ông về dạy ở Trường cấp 3 Hàm Yên năm 1971 - 1973 và 9 năm dạy ở Trường Sư phạm 10 + 3 Tuyên Quang. Ông về công tác tại Sở Giáo dục - Đào tạo từ năm 1982 đến lúc nghỉ chế độ năm 2003.

Với vốn đam mê thơ nhạc và được trải nghiệm ở nhiều vùng miền khác nhau. Ông đã làm thơ và sáng tác nhạc từ những năm 80 của thế kỷ trước, ông là lớp hội viên đầu tiên của Hội VHNT Hà Tuyên. Do cuộc đời có nhiều trải nghiệm tại nhiều vùng miền trong tỉnh nên ông rất am hiểu phong tục, tập quán, những làn điệu dân ca, bản sắc như câu Lượn, câu Then, hát Sình ca, hát Páo dung đã ngấm dần vào ông. Về thơ ông đã cho ra mắt 2 tập Vầng trăng nơi em - 2006 và Gió làng - 2012 được bạn đọc hưởng ứng bởi thơ ông gắn với bản sắc các dân tộc Tày, Dao, Mông,... và với các mái trường. Nhưng ông còn có một đam mê là sáng tác bài hát cho các trường. Ông rất kiệm lời, thân thiết lắm ông mới tâm sự về quá trình sáng tác bài hát của mình. Ông là học sinh Trường cấp 2 - 3 Tân Trào từ năm 1957 đến 1963. Lúc đó Trường Tân Trào lớn nhất tỉnh Tuyên Quang, cấp 2 và cấp 3 học chung, mãi đến 1959 mới tách hẳn thành Trường cấp 3 Tân Trào, trường chỉ có 2 lớp 8, 2 lớp 9 và 2 lớp 10.

Trong dịp trung tuần tháng 11/2021 vừa qua, nhân Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Trường Tân Trào (1946 - 2021), ông tâm sự với tôi: Mình vừa nhận được một cuộc điện thoại của một nhóm các cựu giáo chức và học sinh Tân Trào đang nghỉ chế độ và công tác tại Hà Nội mời mình nghe bài hát "Tân Trào ca" khi mọi người đang tràn đầy cảm hứng trong cuộc giao lưu nhân Kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (11/1982 - 11/2021) mà mình sáng tác từ năm 1985. Ca khúc này lúc đầu lấy tên là "Tân Trào mái trường mến yêu" được thầy, trò Tân Trào nhiệt liệt hưởng ứng. Đến năm 1990 thầy trò

Tân Trào đề nghị đổi thành "Tân Trào ca". Bài hát này ra đời sau "cú hích" hội diễn văn nghệ toàn quốc của ngành Giáo dục tổ chức tại Hà Nội; lúc đó nhà giáo Nguyễn Bình là Trưởng đoàn mời nhạc sỹ Tân Điều là Phó đoàn phụ trách nghệ thuật, nhà giáo Nguyễn Bá Đức (nay là Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào) lúc đó là giáo viên cấp III Hàm Yên chơi ghi ta. Đoàn mang đi 10 tiết mục và 10 thành viên và cả 10 tiết mục đều được huy chương. Trong đó có 4 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc.

Khi trở về nhà giáo Nguyễn Bình trăn trở mãi: Trong hội diễn các trường đều có những bài hát truyền thống của trường họ, còn tỉnh Tuyên Quang có Trường Tân Trào là lớn nhất chưa có bài hát truyền thống để học sinh dễ thuộc, dễ hát. Với vốn kiến thức nhạc được học từ lớp 5, lớp 6 tại Trường Cấp 2 + 3 Tân Trào những năm 50 - 60, với đam mê và tìm tòi nhà giáo Nguyễn Bình đã viết thành công bài hát Tân Trào mái trường mến yêu, sau đổi tên thành Tân Trào ca được thầy trò hưởng ứng và bài hát đã đi cùng năm tháng cho đến nay. Bởi một phần lời ca được trích từ nhật ký của liệt sỹ Hoàng Như là bạn của nhà giáo, cùng học lớp 10B cấp 3 Tân Trào 1963. Nhật ký của bạn Hoàng Như viết: “Mình rất nhớ các bạn học sinh Tân Trào và các bạn lớp 10B, Tân Trào mãi là vườn ươm ước mơ, Tân Trào mái trường mến yêu”:

Tôi xin trích một số lời trong ca khúc này:

        "Dù đi xa muôn nơi, vẫn nhớ về mái trường

         Dù thời gian trôi đi vẫn nhớ về tổ ấm

         Tân Trào mái trường mến yêu

         Tân Trào vườn ươm ước mơ

         Nơi đây đàn chim lớn khôn bay cao và bay xa

         Nơi đây ngàn hoa thắm tươi hương thơm tỏa lan xa

         Và trong muôn trái tim hướng về Tân Trào

        Cho ta thêm sức sống làm người

        Cho ta thêm hơi ấm cuộc đời

        Tân Trào mái trường mến yêu

        Tân Trào vườn ươm ước mơ".

Lời 2 có đoạn:

       "Vui sao đời ta hiến dâng con tim vì quê hương

        Dù xa mãi nhớ ghi mái trường Tân Trào

        Cho ta thêm mơ ước vào đời

        Cho ta thêm chân lý ngời ngời..."

Trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường Tân Trào (1946 - 2016) ca khúc đã được đạo diễn Nguyễn Vũ Phan lúc đó là Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh dàn dựng và biểu diễn rất thành công.

Với sự đam mê từ đó đến nay nhà giáo Nguyễn Bình đã sáng tác trên 30 ca khúc cho các mái trường từ Na Hang đến Sơn Dương và nhiều bài hát đã đi cùng năm tháng có thể kể ra như bài: Em yêu Trường Mầm non Hoa Mai viết tặng Trường Mầm non Hoa Mai phường Tân Quang khi cháu nội nhà giáo đi học mầm non, mà học sinh thuộc đến bây giờ.

Năm 2003 nghỉ hưu, nhà giáo Nguyễn Bình đi suốt các trường vừa làm thơ, vừa sáng tác nhạc. Lúc đó đường còn khó khăn lên Na Hang sáng tác bài cho Trường Dân tộc Nội trú, đến xã Hà Lang, Minh Quang là trường vùng sâu, vùng xa của huyện Chiêm Hóa sáng tác bài cho Trường THPT Hà Lang, THPT Minh Quang và đặc biệt ca khúc Hát về Trường THPT Kim Bình nơi Di dích lịch sử Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II đã được nhà trường dàn dựng công phu và trở thành ca khúc được thầy trò thường xuyên hát trong các ngày lễ lớn bởi ca khúc mang được âm hưởng giai điệu Then gần gũi với các dân tộc.

Với Trường cấp III Hàm Yên nơi nhà giáo Nguyễn Bình đã từng giảng dạy 2 năm (1971 - 1973), nhà giáo đã viết tặng 2 ca khúc. Ca khúc Hát về Trường THPT Hàm Yên đã được nhà trường phối hợp với Phòng Văn hóa huyện dàn dựng, múa minh họa cùng một dàn trống rất hoành tráng trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường (1966 - 2016).

Về bài ca Trường THPT Ỷ La, lúc đó do nhà giáo Nguyễn Văn Lệ làm Hiệu trưởng có một kỷ niệm vui vui, nhà giáo Nguyễn Văn Lệ yêu cầu nhà giáo Nguyễn Bình sáng tác thế nào để hát rõ từ Ỷ La, nếu chệch đi thì không chấp nhận được. Sau nhiều đêm suy nghĩ nhà giáo đã để một dấu luyến rất rõ từ Ỷ La. Nhà giáo Nguyễn Văn Lệ được nghe hát và chúc mừng, nhà giáo Nguyễn Văn Lệ nói tiếp: đã có người sáng tác rồi nhưng hát toàn là Ý La, Ỵ La cho nên không thành công.

Ngoài viết ca khúc cho nhà trường, nhà giáo Nguyễn Bình còn viết trên 20 ca khúc cho các đề tài khác, đã có 4 ca khúc được Đài Truyền hình Tuyên Quang dàn dựng và phát trên sóng, đó là ca khúc: Mưa xuân (phổ thơ Đào Xuân Thủy); ca khúc Sương đêm (phổ thơ Quỳnh Nga); ca khúc Chợ phiên về bản (phổ thơ Thanh Thanh); ca khúc Hát về biển giữa rừng (phổ thơ Phạm Công Biển).

Năm nay sang tuổi 79 nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Bình vẫn đam mê sáng tác thơ, nhạc, ông vừa cho ra mắt cá khúc Lời ca dâng đảng (phổ thơ của Dư Thị Nhường) - chào mừng thành công Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII. Trong mùa Covid nhà thơ đã sáng tác hai ca khúc: Người con gái Thành Tuyên thuở ấy (phổ thơ của nhà thơ, nhà giáo Đỗ Quý Nhân, nguyên là giáo viên Tân Trào hiện đang sinh sống tại Hà Nội); ca khúc Hoài niệm mùa thu (phổ thơ của tác giả Bùi Thu Nga). Hai ca khúc này do ca sỹ Ngọc Khanh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh phối khí và thể hiện được nhiều hội viên và khán giả hưởng ứng.

Có thể nói trong các nhà giáo đã nghỉ hưu ở Tuyên Quang, Nguyễn Bình là một trong những nhà giáo đam mê thơ nhạc, nhiều đêm khuya có lúc 2 - 3h sáng ông vẫn ôm cây đàn ghi ta tìm giai điệu mới cho các ca khúc trữ tình để khi có cuộc giao lưu ông lại trình bày tác phẩm của mình cho mọi người thưởng thức.

 

Nguyễn Chí Hiệp

Tin tức khác