Người se duyên nhạc với thơ

Thứ ba, ngày 20-06-2023, 14:31| 1.064 lượt xem

Nhạc sĩ Tân Điều có niềm đam mê âm nhạc từ thời niên thiếu. Có năng khiếu và đam mê văn nghệ nên thời đi học các thầy cô luôn giao cho làm lớp phó phụ trách văn nghệ. Tân Điều rất tích cực tham gia phong trào văn nghệ của lớp, của trường. Nhưng thanh niên trong thời kỳ cả nước có chiến tranh thì tất cả đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Khi mới đang học phổ thông, Tân Điều đã có giấy gọi đi học lớp Sư phạm cấp tốc trong 3 tháng hè để đi dạy học. Làm giáo viên nhưng vẫn rất hăng say văn nghệ, sau đó được giao làm Tổng phụ trách Đội, phụ trách văn nghệ của trường. Mặc dù thời ấy sách về âm nhạc rất hiếm nhưng Tân Điều đã tìm mọi cách để có sách rồi về nhà tự học nhạc.

 

Tuy lúc ấy mới chỉ là giáo viên trẻ và chỉ được tiếp xúc với âm nhạc qua sách vở nhưng cũng đã có những bài hát đầu tiên tự sáng tác về ngôi trường của mình. Tưởng rằng mình sẽ mãi mãi gắn bó với ngành Giáo dục, với các em học sinh thì đến năm học thứ năm, khi Tân Điều vừa lên làm Hiệu trưởng hết học kỳ I thì lại có giấy gọi lên đường nhập ngũ. Gác lại sự nghiệp trồng người trở thành người lính, vào quân ngũ trở thành một hạt nhân văn nghệ tích cực của đơn vị. Chính vì vậy mà ngay sau một đợt hội diễn của toàn sư đoàn, Tân Điều đã được tuyển đặc cách về làm diễn viên Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị. Đến năm 1977, sau 5 năm ở Đoàn Tổng cục Chính trị thì được chuyển về làm phóng viên, biên tập viên văn nghệ Đài Phát thanh Hà Tuyên (bây giờ là Đài Phát thanh - Truyền hình Tuyên Quang). Về với quê hương và môi trường làm việc mới nên Tân Điều đã phấn đấu thành một nhạc sĩ như hiện nay.

Nói về quan điểm phổ nhạc cho thơ, nhạc sĩ Tân Điều thật thà chia sẻ: “Đối với tôi, việc phổ nhạc cho thơ diễn ra một cách rất tự nhiên, vô tư, trên tinh thần tôn trọng nghệ thuật chứ không phải vì sự cả nể hay bất kỳ điều gì khác. Hễ gặp bài thơ nào hay, cảm xúc, phù hợp là tôi phổ nhạc”. Một bài thơ được phổ nhạc có cơ hội tiếp cận đông đảo công chúng, bài hát nhờ có ca từ đẹp, giàu chất nhạc theo lẽ tự nhiên cũng được nâng tầm nghệ thuật. Trên hành trình sáng tạo nghệ thuật ấy, có một điều đặc biệt đã làm nên dấu ấn đặc sắc của nhạc sĩ Tân Điều, đó là gia tài không nhỏ các ca khúc phổ thơ. Bao đời nay vẫn vậy, nhạc và thơ luôn là hai loại hình nghệ thuật có sự gắn bó mật thiết, quyện hòa vào nhau. Chính mối quan hệ đặc biệt ấy đã trở thành chất liệu ngọt ngào, khơi nguồn cảm hứng cho những sáng tạo nghệ thuật thăng hoa. “Cuộc đời tôi đã bước qua nhiều chặng đường khác nhau, mỗi chặng ấy đều là những mốc quan trọng. Nhưng chặng đường có tính chất bước ngoặt nhất chính là khi tôi từ anh lính chiến đấu được chuyển hẳn sang hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp ở một đoàn văn công lớn của quân đội. Chính tại môi trường này tôi đã được tiếp thu các kiến thức mới về nghệ thuật, về lý thuyết âm nhạc, về thanh nhạc, về phong cách biểu diễn từ đó giúp tôi dần trưởng thành và tích lũy cho mình những kinh nghiệm ban đầu để sau này trở thành nhạc sĩ”.

Nhạc sĩ chia sẻ thêm: “Nói đến nghệ thuật thì nó rất rộng, tôi cũng yêu thơ ca, hội họa, nhiếp ảnh… nhưng cũng chỉ thích thế thôi chứ không thể hiểu hết được. Còn âm nhạc nó đã theo tôi suốt cuộc đời nên âm nhạc nó là hơi thở là cuộc sống của tôi, mọi buồn vui, thăng trầm trong cuộc sống của tôi đều có âm nhạc. Mặc dù con đường tôi đến với âm nhạc nó không bằng phẳng như nhiều người khác mà phải vòng vèo qua nhiều cung đoạn khác nhau, tưởng như không bao giờ đến đích. Nhưng vì đam mê và kiên trì nên cuối cùng tôi cũng đã thực hiện được ước mơ của mình. Bạn hỏi tôi chọn âm nhạc hay âm nhạc chọn tôi thì rất khó trả lời, có lẽ là do định mệnh thôi”. Đối với nhạc sĩ Tân Điều thơ và nhạc là những người bạn đồng hành luôn có nhau, có người còn nói nó như cặp uyên ương vậy. Tuy cách diễn đạt của thơ và nhạc là khác nhau nhưng nó luôn rất gần nhau. Khi nghe một bài hát có giai điệu, lúc nhanh lúc chậm thì khi nghe đọc hay ngâm một bài thơ cũng vậy, tuy không có từng nốt nhạc cao thấp nhưng nó cũng ngân nga trầm bổng lên xuống theo một giai điệu nhất định. Vì âm nhạc là nhạc điệu, giai điệu. Mà thơ thì đã vốn có vần điệu, nhịp điệu khiến có thể ngâm nga như hát. Vì vậy các nhạc sĩ sáng tác ca khúc đọc thơ mà bật ra nhạc cũng là một lẽ đương nhiên. Nhưng không phải bài thơ nào cũng dễ gợi nhạc, gọi nhạc. Phải tự trong thơ có nhạc tính theo một tần số âm thanh và cảm xúc nào đó thì mới tạo nên sự đồng điệu trong tâm hồn của nhạc và thơ. Khi đó ta có những bài hát phổ thơ xúc động lòng người. Cái tâm với nghề, cái tình nghĩa vẹn toàn, chu đáo ấy càng gắn kết hơn mối duyên bền chặt, sâu đậm giữa nhạc và thơ.

Cái khó khi phổ thơ là muốn phổ nhạc cho thơ thì đòi hỏi người nhạc sĩ cũng phải hiểu về thơ, từ đó mới nắm bắt được cái hồn cốt của bài thơ. Tác phẩm đó phải có sự đồng điệu giữa hai tâm hồn thì mới có thể thành công. Khi phổ nhạc người nhạc sĩ phải tìm chọn những bài thơ hay nhưng không phải bài thơ hay nào cũng có thể phổ thành bài hát hay được. Bài thơ ấy phải có chất nhạc, trong thơ có nhạc tức là nội dung bài thơ cũng phải có những cung bậc cảm xúc, lời thơ phải xúc tích nhưng không quá phức tạp, khó hiểu. Còn nói trong nhạc có thơ chủ yếu muốn nói về lời của bài hát phải hay, cô đọng súc tích như một bài thơ vậy.

Những người yêu nghệ thuật không khỏi cảm phục sức sáng tạo dồi dào, kiên trì, bền bỉ của người nghệ sĩ. Hơn hết, mỗi ca khúc như minh chứng sinh động về mối giao cảm đẹp đẽ, tốt lành, hòa quyện giữa nhạc và thơ. Hay nói cách khác, đó là sự cộng hưởng về mặt tâm hồn, trí tuệ giữa những người nghệ sĩ - thi sĩ khi đứng trước rung cảm thẩm mỹ, nghệ thuật. Thơ làm phong phú thêm ngôn ngữ, hình ảnh để âm nhạc đi vào chiều sâu. Âm nhạc thông qua ngôn ngữ biểu đạt của mình đã “nâng cánh” cho thơ bay cao, vươn xa hơn trong thế giới cảm xúc. Chẳng thế mà Tuyên Quang vốn đã là địa danh quen thuộc, nguồn cảm hứng dạt dào của biết bao tâm hồn nghệ sĩ. Nhưng khi giai điệu dung dị, giai điệu thanh thoát, luôn tươi mới của nhạc Tân Điều kết hợp với lời thơ giàu hình ảnh tạo cho ca khúc dễ đi vào lòng người.

Nếu cứ nhìn vào số lượng ca khúc phổ thơ cùng với sự chan hòa, vô tư của nhạc sĩ Tân Điều, nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là một cuộc dạo chơi nhàn nhã. Nhưng có đi vào tìm hiểu mới biết, phổ nhạc cho thơ không phải là công việc dễ dàng mà là lao động sáng tạo đòi hỏi người nhạc sĩ phải có kinh nghiệm, bản lĩnh, nắm vững kiến thức và đặc biệt tinh tế. Tinh tế để biết rung cảm trước cái đẹp của thi ca, từ đó tạo nên sự cộng hưởng, giao thoa và thăng hoa về mặt tinh thần, tư tưởng, tình cảm. Một bài thơ có thể phổ thành nhạc khi nó chứa đựng chất liệu âm nhạc. Tức là tính nhạc trong thơ phải được biểu hiện rõ nét thông qua sự khéo léo trong cách đặt dấu thanh, phân nhịp, gieo vần, trọng âm... Lời thơ giản dị, súc tích nhưng đảm bảo tính nghệ thuật, truyền tải thông điệp, tư tưởng nhân văn sâu sắc, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lặng lẽ, kiên trì, bền bỉ đó là những gì người ta nói về nhạc sĩ Tân Điều, ông làm việc như chú ong thợ chăm chỉ, siêng năng, chân thành nhất mực trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Đến nay, sau hơn 50 năm miệt mài, ông đã sáng tác, phổ nhạc hơn 200 ca khúc như: Đường về Tân Trào, Một nét thành Tuyên, Lời suối hát, Áo chàm đi hội, Con gái bản tôi, Anh công an bản em, Mùa thổ cẩm trên núi, Một ngày anh lên Chiêm Hóa… Trong đó có một tác phẩm mang nhiều dấu ấn nhất đối với nhạc sĩ Tân Điều đó là ca khúc “Đường về Tân Trào”, ca khúc được ra đời trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Không được lên kế hoạch hay có ý định sáng tác từ trước mà ban đầu chỉ với mục đích để xử lý cho một tình huống. Năm 1995, Tân Điều giúp đạo diễn chương trình văn nghệ cho Công an tỉnh đi hội diễn toàn quốc. Khi xem duyệt chương trình xong các đồng chí lãnh đạo góp ý nên có một bài hát về quê hương Tuyên Quang gắn với hình ảnh Bác Hồ và đề nghị ông gấp rút sáng tác bài hát đó. Dù không có nhiều thời gian, nhưng nhạc sĩ đã sáng tác được ca khúc “Đường về Tân Trào” ngay trong một ngày về quê. Một tác phẩm được sáng tác rất nhanh chóng, bất ngờ nhưng lại được công chúng yêu mến, đón nhận từ đó cho đến nay.

Nhờ những nỗ lực, đóng góp bền bỉ cho âm nhạc, nhạc sĩ Tân Điều đã gặt hái được nhiều huy chương, giải thưởng, Bằng khen từ Trung ương đến địa phương: “Lời ca từ mái trường” Huy chương Vàng Hội diễn ngành Giáo dục và Đào tạo toàn quốc năm 1985; “Anh công an bản em” Huy chương Vàng Hội diễn toàn quốc ngành Công an năm 2003; “Áo chàm đi hội” giải Xuất sắc Liên hoan Âm nhạc Khu vực phía Bắc năm 2009; “Tiếng lá rừng” giải A Liên hoan Âm nhạc Khu vực phía Bắc năm 2012; “Cây đa Tân Trào về với Trường Sa” giải B Liên hoan Âm nhạc Khu vực phía Bắc năm 2014; “Tiếng khèn” giải B Giải thưởng Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2015… Mới đây nhạc sĩ Tân Điều cũng là một trong những tác giả tiêu biểu được nhận giải thưởng Sáng tác, quảng bá về “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 2023.

Dẫu biết rằng trong cuộc đời của một người nghệ sĩ, những danh hiệu, giải thưởng vốn không phải là đích đến cuối cùng. Nhưng điểm qua các dấu mốc trong sự nghiệp của ông để nói một điều rằng: Nhạc sĩ Tân Điều mộc mạc, giản dị, chan hòa, ông không hề xuề xòa trong lao động nghệ thuật. Những gì nhạc sĩ Tân Điều đạt được trên con đường sáng tạo nghệ thuật là những thành quả đáng trân trọng, tự hào khẳng định thương hiệu riêng, rất riêng có được từ một tấm lòng hết mực đam mê, cống hiến cho nghề, tin yêu cuộc sống, có trách nhiệm với cộng đồng và quê hương, đất nước.

Điền Phương Thảo

Tin tức khác