Người nhen lên ngọn lửa Sình ca

Thứ ba, ngày 18-07-2023, 10:35| 848 lượt xem

Huyền Linh

Với một kho tàng văn hóa từng được phát triển, kế thừa qua nhiều thế hệ nên việc gìn giữ những kho tàng này vẫn được đồng bào bảo lưu từ hàng trăm năm trên suốt một rẻo núi non của Tuyên Quang. Các nghi thức múa, hát Sình ca là những giá trị tiêu biểu của cộng đồng dân tộc Cao Lan hiện vẫn đang được các nghệ nhân sưu tầm, phục dựng theo nguyên bản gốc, trong đó có nghệ nhân Trần Quang Tiến ở xã Thành Long, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Chính niềm đam mê và ý thức trách nhiệm với di sản của cha ông nên nhiều giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc Cao Lan đã và đang như ngọn lửa cháy lên những giá trị nhân văn, nhân nghĩa trong cộng đồng.

Nghệ nhân Trần Quang Tiến cùng đội văn nghệ Bảo tồn văn hóa Sình ca xã Thành Long, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh của Nguyễn Chính

 

Nghệ nhân Trần Quang Tiến là người con của đồng bào Cao Lan. Đã cao tuổi, nhưng ở người nghệ nhân này vẫn được trời phú cho sức khỏe. Chả thấy ông đau yếu bao giờ. Giọng nói vẫn sang sảng, vẫn rong ruổi trên những nẻo đường, những bản làng của đồng bào Cao Lan để sưu tầm, phục dựng những nét văn hóa truyền thống dân tộc. Người trong làng chả mấy khi thấy ông ngồi một chỗ. Tôi đã mấy lần đến thăm ông, quên không hẹn trước nên nhiều lần về không. Lúc thì nghe người nhà nói, ông đi làng nọ, làng kia để truyền dạy cho lớp trẻ làn điệu hát Sình ca; khi thì nghe nói ông đang dẫn đám con cháu đi tham dự cuộc thi liên hoan văn hóa khu vực, hoặc toàn quốc.

Gặp được nghệ nhân Trần Quan Tiến ở nhà là điều may mắn. Ông bảo: “Ngồi một chỗ nó buồn cái chân, cái tay lắm. Mình đi đây đi đó là dịp để tìm hiểu sâu hơn những di sản của cha ông còn lưu giữ phần nào trong các căn nhà đồng bào Cao Lan”. Những cuộc đi như vậy khiến ông khỏe ra, đầu óc ông minh mẫn hơn khi đôi mắt, bàn tay được chạm vào di sản, chạm vào miền kí ức tài hoa mà tổ tiên dân tộc ông để lại cho con cháu. Cứ như thế, ông đã có hàng chục năm dành trọn tình yêu của mình với di sản văn hóa, với làn điệu Sình ca của dân tộc. Ông từng tự hào mà khoe với tôi rằng: “Người Cao Lan chúng tôi có một đời sống văn hóa tinh thần phong phú lắm”.

Tôi đã nhiều dịp được đi điền dã tại các vùng quê có đồng bào Cao Lan sinh sống nên tôi hiểu được những điều mà ông Tiến nói. Có lẽ, bắt nguồn từ trong lao động sản xuất, nhiều giá trị truyền thống của đồng bào Cao Lan đã được sản sinh và tồn tại trong đời sống của cả cộng đồng. Với người nghệ nhân già này, để gìn giữ giá trị văn hóa lâu bền thì chỉ có tình yêu với di sản là chưa đủ. Nó cần thêm yếu tố là khả năng lựa chọn và biến các di sản ấy trở nên tiêu biểu hơn.

Hôm tôi trở lại Thành Long và về thăm Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Sình ca của nghệ nhân Trần Quang Tiến, khi ông đang tổ chức truyền dạy một số tiết mục múa truyền thống của đồng bào dân tộc Cao Lan cho đám con cháu trong làng. Những gương mặt non nớt như đang đắm mình vào một không gian văn hóa qua từng động tác múa dâng hương, múa cầu mùa, những làn điệu Sình ca mê đắm lòng người. Để thành thục được các động tác này đối với các em là cả một quá trình tập luyện dưới sự hướng dẫn, truyền dạy của người nghệ nhân Trần Quang Tiến. Chính ông đã thổi được ngọn lửa đam mê sang những thế hệ đồng bào Cao Lan trong làng, trong xã suốt hàng chục năm qua.

Trên căn nhà sàn ám màu thời gian, nghệ nhân Trần Quang Tiến giải thích với tôi rằng: Sình ca ra đời gắn liền với truyền thuyết dân gian về nàng Lưu Ba của người Cao Lan. Sình ca của người Cao Lan là một di sản văn hóa phong phú, đa dạng về thể loại có giá trị cao về nghệ thuật. Đó là một sinh hoạt văn hóa truyền thống có từ lâu đời. Sình ca là lối hát đối đáp giữa nam và nữ, được sáng tác theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, với nhiều nội dung ca ngợi về tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương, đất nước; tình yêu đôi lứa, tình yêu trong lao động sản xuất và các điệu hát trong đám cưới, đám tang, hát về ước mơ hạnh phúc... Chính vì vậy, các làn điệu Sình ca đều mang sắc thái dân tộc, được hình tượng hóa, ngôn ngữ hóa và truyền bá rộng rãi trong cộng đồng người Cao Lan qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển trong cộng đồng. Mỗi khi có dịp gặp nhau, người Cao Lan hát cho nhau nghe những bài hát ca ngợi cảnh đẹp quê hương, làng bản, những cảnh sinh hoạt hay trong cả những lúc lao động sản xuất.

Với nghệ nhân Trần Quang Tiến, việc truyền dạy các tri thức dân gian trong kho tàng di sản của cộng đồng cho các thế hệ trẻ không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm đam mê. Ông cũng hi vọng, chính các thành viên trong làng, trong xã một khi đã được sống trong không gian văn hóa sẽ là những hạt nhân văn nghệ sau này, có điều kiện kế thừa ông để cùng lưu giữ, bảo tồn và phát huy các tri thức dân gian trong đời sống xã hội. Điều đó quý lắm. Vì trong cuộc sống hiện đại hôm nay, trước sự giao thoa văn hóa, những giá trị cũ đang dần mất đi để nhường chỗ cho những cái mới hơn thì việc nhen lên ngọn lửa đam mê không gian văn hóa truyền thống ở những gương mặt non trẻ kia là điều hết sức cần thiết. Nhưng, nếu không có niềm đam mê, trách nhiệm với di sản như nghệ nhân Trần Quang Tiến thì biết đâu, một ngày nào đó di sản của tổ tiên đồng bào Cao Lan sẽ bị chìm lấp giữa bao nhiêu biến cố trong cuộc sống.

Có lẽ ngay từ khi nằm nôi, nghệ nhân Trần Quang Tiến đã từng thấm đẫm chất nhân văn, nhân nghĩa của đồng bào dân tộc Cao Lan qua làn điệu hát Sình ca của mẹ, cùng những khát vọng lớn lao của cha ông qua từng nhịp điệu trống sành. Dẫu cuộc sống vật chất của đồng bào còn nghèo, song họ thực sự giàu có về tinh thần mỗi khi làn điệu Sình ca cất lên như suối ngàn chảy mãi. Nhưng, có một điều mà người nghệ nhân già này cảm thấy thực sự tự hào là cả nhà ông có bốn đến năm đời đều là những “nghệ nhân” dân gian của làng. Những cuốn sách cổ ghi chép lại từng bài hát Sình ca làn mùn của nàng Lưu Tam vẫn được gìn giữ như những báu vật trong gia đình. Mặc dù nhiều cuốn sách cổ đã ố màu dưới tác động của thời gian, song đây chính là mạch nguồn giúp ông nối được giữa quá khứ và hiện tại, giữa thế hệ trước với cư dân trong làng, trong xã hôm nay.

Để làn điệu Sình ca có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng, ông Trần Quang Tiến vẫn luôn dặn dò con cháu người Cao Lan là phải biết hát, biết múa, hiểu được giá trị văn hóa dân tộc mình. Những câu hát sình ca chứa đựng nhiều điều ý nhị, phải yêu quý nó thì mới nên người được. Cái tâm niệm đó vẫn được ông thường xuyên nhắc cho con cháu mình. Ở cái tuổi mà sức khỏe không còn nhiều, nhưng ông thuộc và nhớ từng câu trong 12 đêm hát giao duyên của nàng Lưu Tam. Bằng sức mạnh của tâm hồn, bằng tình yêu thuần khiết, nàng Lưu Tam đã sáng tác ra bản trường ca bất diệt, đó là những làn điệu Sình Ca. Lời hát và giai điệu của Sình ca thể hiện sức sống mãnh liệt, bởi những bài hát của nàng Lưu Tam được truyền tụng trong nhân gian, được ghi chép lại thành 12 tập, ứng với 12 đêm hát. Từ đó, người Cao Lan đã tôn vinh nàng Lưu Tam là vị chúa thơ ca của mình. Nàng đã sáng tác ra kho tàng thơ ca đồ sộ mà người Cao Lan hát không bao giờ hết. Từ những làn điệu này, trước đây các đêm hát giao duyên giữa trai làng nọ, gái làng kia nhiều đôi đã nên vợ, nên chồng. Ngay cả như ông Tiến, thời còn thanh niên, nhờ những đêm hát giao duyên bằng làn điệu Sình ca mà đã có được người mà ông thầm thương, trộm nhớ.

“Mặt trời còn ở trên cao

Em đây muốn hát anh sao vội về

Em đang muốn hát chàng lại vội đi

Mặt trời lặn hẳn anh hãy về được không?”

Những câu hát Sình ca như thế cứ kéo dài bất tận trong các đêm hát của đồng bào dân tộc Cao Lan, trở thành di sản đã từng trở che, nuôi dưỡng những tâm hồn con người trên xứ núi. Bởi biết hát và hát hay các làn điệu Sình ca nhờ ý thức trách nhiệm và cả niềm đam mê với di sản mà tổ tiên đồng bào để lại nên ông Trần Quang Tiến luôn đau đáu một nỗi niềm là làm thế nào để các thế hệ sau này của cộng đồng Cao Lan không chỉ trong làng, trong xã mà còn cả các địa phương khác trong tỉnh biết yêu và trân trọng di sản nên ông đã mất nhiều thời gian nghiên cứu, dịch nghĩa và tổ chức truyền dạy cho con cháu trong gia đình, dòng tộc. Đây là bước đi đầu tiên với mục đích là qua đó sẽ tạo sự lan tỏa đến với những gia đình khác trong làng.

Vậy là đêm đêm, bên gió rừng, bóng núi, những câu hát Sình ca mang ngọn nguồn văn hóa lại được cất lên trong nỗi xao động của biết bao nhiêu con người, làm cho những trái tim đa cảm xích lại gần nhau hơn. Có một điều mà ông Trần Quang Tiến vẫn đau đáu trong lòng là làm sao để các di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc có sức sống bền chặt trong cộng đồng. Từ những trăn trở này, Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Cao Lan ở xã Thành Long được thành lập, lúc đầu có 7 thành viên, giờ con số này đã lên tới hàng chục thành viên ở các thôn có đồng bào Cao Lan sinh sống trong xã cùng tham gia sinh hoạt trong Câu lạc bộ. Qua thời gian sinh hoạt, thành tích của đội văn nghệ là những tấm bằng khen đỏ thắm được treo ở vị trí trang trọng nhất trong căn nhà sàn. Giải nhất, giải nhì, giải A, giải xuất sắc… đều được các thành viên trong đội văn nghệ “rinh” về cho cả làng, cả bản. Người dân Cao Lan vinh dự và tự hào lắm. Ông Tiến bảo: “Đội văn nghệ ở cái xã Thành Long này không chỉ hoạt động dịp lễ, Tết mà còn thường xuyên tổ chức biểu diễn ở khắp nơi, thông qua lời hát Sình ca và các nghi thức trong điệu múa “Bồ câu xòe cánh”, “Xúc tép”, “Khai tăng”…”.

Văn hóa Cao Lan có bề dày hàng nghìn năm, các tiết mục văn nghệ có tới gần 100 thể loại, riêng thể loại hát Sình ca có tới trên 1.000 bài... nổi bật như điệu hát múa xúc tép, múa được mùa, múa trống, múa kiếm, chim câu xòe cánh… Những điệu múa, bài hát cổ của dân tộc mình được nghệ nhân Trần Quang Tiến nhiệt tình hướng dẫn cho bà con. Những giai điệu và động tác làm sống lại các hoạt động của loài người từ thuở xa xưa để duy trì sự sống, như: Săn bắt thú rừng, chim muông... hay như những điệu múa ca ngợi tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước.

Khi có độ lùi về thời gian thì giá trị văn hóa sẽ được sàng lọc, tạo nên những tinh hoa độc đáo nên sẽ có sức sống lâu bền trong đời sống xã hội. Đặc biệt, những nghệ nhân dân gian trong chính cộng đồng luôn đóng vai trò tích cực để các di sản bừng thức trong tâm hồn của mỗi người, để từ đó, mọi người trong cộng đồng sẽ càng có ý thức trách nhiệm hơn với vấn đề bảo tồn văn hóa. Từng nết ăn, nết ở, phong tục, tập quán đều bắt nguồn từ văn hóa, bởi văn hóa có tính cố kết cao trong cộng đồng dân cư.

Những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Lan mà những hạt nhân văn nghệ dân gian sưu tầm, truyền dạy trong suốt những năm qua vẫn được các thế hệ gìn giữ và lưu truyền. Các giá trị ấy vẫn như sợi chỉ đỏ xuyên suốt và kết nối các thế hệ đồng bào, để bản sắc độc đáo của người Cao Lan sẽ mãi là một nét văn hóa đẹp, đậm đà trong nền văn hóa đa dạng, độc đáo của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Đồng bào dân tộc Cao Lan đã có mặt trên suốt một rẻo núi non từ hàng trăm năm nay và trở thành một trong 22 cộng đồng dân tộc hiện đang sinh sống ở tỉnh Tuyên Quang. Đây cũng là cộng đồng dân tộc thiểu số đã sản sinh ra một kho tàng văn hóa và tri thức dân gian độc đáo về phong tục, tập quán, về nghi lễ truyền thống trong việc cưới, việc tang và trong sinh hoạt văn hóa. Từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng say mê hát bởi Sình ca không chỉ gồm những bài hát giao duyên của trai gái mà còn có nhiều bài hát ca ngợi sản xuất, hát thờ phụng thổ công, thờ phụng thần nông… Qua những làn điệu dân ca quen thuộc, người Cao Lan muốn gửi gắm vào đó những tâm tư tình cảm, những ước mơ, nguyện vọng của người lao động. Và, nghệ nhân Trần Quang Tiến trở thành một trong những gương mặt có đóng góp xuất sắc để người Cao Lan có điều kiện tìm về vùng kí ức, tìm về không gian văn hóa đậm đà của mình.

H.L

Tin tức khác