Ngọn lửa thao thức

Thứ năm, ngày 02-06-2022, 09:17| 932 lượt xem

Tôi điện thoại hẹn gặp nhạc sĩ, NSƯT Quang Thủy (Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang) mấy lần mà chưa gặp được. Không phải là Thủy kiêu gì, mà cái chính là dạo này anh đang bận rộn quá. Nghe đâu, cái sự bận rộn của anh là đang dành toàn thời gian cho việc sáng tác, làm đạo diễn và dàn dựng chương trình Liên hoan âm nhạc ASean của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dự kiến sẽ tổ chức vào trung tuần tháng 12 năm nay.

Nhạc sĩ Quang Thủy

Cô đơn trong sáng tạo

Biết nhạc sĩ, NSƯT Quang Thủy đã lâu, nhưng chả mấy khi gặp. Chỉ đến lúc lên với Trại sáng tác văn học, nghệ thuật tại huyện Na Hang vừa qua thì lần đầu tiên tôi và anh mới có dịp ngồi với nhau. Thủy ít nói, nhưng khi chạm vào lĩnh vực nghệ thuật thì anh giống như một ngọn thác bất ngờ ào ạt đổ ra, sôi nổi và đầy hào hứng. Trong mấy ngày ở Trại, dường như Thủy luôn ngồi lì bên cây đàn để làm việc. Trong ánh sáng nhờ nhờ của ngọn đèn phòng hắt ra, gương mặt anh trở nên phờ phạc, huyền bí và đầy ma mị. Có nhiều đêm mất ngủ, tôi lần xuống phòng anh, chả để làm gì, chỉ là ngồi hút với anh điếu thuốc, tán vài mẩu chuyện vu vơ. Điều kì lạ là lần nào đến cũng thấy phòng anh ở luôn sáng đèn. Bên dòng thác Mơ đổ nước mơ hồ xa vắng, dưới bóng tối bao trùm của rừng già, những nốt nhạc ngân rung lên, hòa vào tiếng thác đổ, nghe vừa như rất gần, có thể cầm nắm được, nhưng lại như mênh mang với bao nhiêu nỗi niềm. Căn phòng của anh ngập tràn thứ âm thanh cuộc sống, ngập tràn những mẩu thuốc lá còn vương trên chiếc gạt tàn.

Tôi đắm mình vào cõi riêng tư của Thủy, trong một không gian âm nhạc ma mị ấy để cảm nhận về cuộc đời, về cái hữu hạn thời gian đang lặng lẽ trôi qua. Có lần tôi hỏi: “Ông làm việc suốt thế này thì ngủ vào lúc nào?” Thủy nở nụ cười tươi rói trên gương mặt đã sạm đi vì nắng gió của cuộc mưu sinh: “Em chỉ ngủ tranh thủ thôi”. Tôi thực sự kinh ngạc trước sức làm việc của Thủy. Những bao thuốc cứ dần vơi. Dường như những lúc căng thẳng để thai nghén, để chuẩn bị sinh nở cho đứa con tinh thần của mình, anh hút thuốc nhiều hơn. Điếu thuốc trên tay lập lòe đỏ lửa trở thành thứ mà anh tựa vào mỗi khi lòng mình cô đơn, trống trải nhất. Thế mới thấy trên hành trình sáng tạo của người nghệ sĩ, họ cô đơn đến nhường nào. Chỉ có nỗi cô đơn mới giúp họ có được những tác phẩm ưng ý nhất, không chỉ cho mình mà còn cho cả cái cuộc đời đầy nỗi đau nhân tình thế thái.

Một buổi chiều trong tiết trời se lạnh đầu thu, tôi bảo với Thủy là các anh lãnh đạo huyện Na Hang có đề nghị Trại sáng tác lần này dành cho huyện một ca khúc sáng tác riêng về Na Hang. Nghe tôi vừa nói xong, Thủy cười: “Anh cho em đúng một giờ”. Tôi nghĩ Thủy nói đùa, nên chỉ bảo: “Cố gắng xong sớm cho huyện”, rồi lặng lẽ đi tìm chỗ nằm sau nhiều đêm mất ngủ do lạ nhà, lạ nước. Tuy nhiên, vừa chợp mắt một lát đã thấy Thủy gọi: “Xong rồi anh”. Tôi mơ màng choàng tỉnh giấc, thì thấy từ lúc trao đổi với Thủy đến lúc này là chưa chẵn một giờ đồng hồ. Thế mà ca khúc “Na Hang miền huyền thoại” của anh đã kịp ra đời. Đây là ca khúc hay, mang âm hưởng của núi rừng, với ca từ đẹp, góc nhìn mới lạ và giai điệu mang đậm chất liệu Then. Nó khắc họa đầy đủ về một vùng đất giàu bản sắc văn hóa trong nỗi nhớ thương của tuổi trẻ, của tình yêu, gắn kết giữa con người với thiên nhiên, với cuộc đời.

Trong gần mười ngày tham gia Trại sáng tác, tôi hiểu về Thủy nhiều hơn. Khi đã khá thân quen, tôi mới hỏi anh cái điều tế nhị khi anh bỏ làm Nhà nước để tự ra ngoài bươn trải. Thủy chả hề giấu giếm tôi làm gì. Thủy bảo: “Cũng vì cuộc sống cả thôi. Mà điều ấy có quan trọng đâu, cái quan trọng là người nghệ sĩ họ đóng góp được gì cho quê hương, đất nước”. Ấy là năm 2018, khi đang công tác tại Đoàn nghệ thuật Dân tộc tỉnh, bỗng một ngày anh tuyên bố nghỉ việc. Quyết định của anh khiến đồng nghiệp, gia đình và bạn bè không khỏi bất ngờ. Mà cũng thế thật. Trong khi người ta xin vào chả được, đằng này anh lại xin ra. Thời buổi bây giờ kiếm việc làm đâu phải dễ dàng gì, dù sao đấy cũng là chỗ để anh an phận mà làm việc, mà sáng tạo và cống hiến. Thế nên nhiều người tìm cách khuyên ngăn anh, nhưng anh kiên quyết không thay đổi. Thứ mà anh thay đổi là tìm đến một chân trời mới mẻ, dẫu biết phía chân trời ấy nó mơ hồ, nó xa vắng lắm.

Cái duyên âm nhạc

Nhạc sĩ, NSƯT Quang Thủy sinh năm 1978, cầm tinh con ngựa. Cái tuổi ấy nó vận vào anh, nên cả quãng đời tuổi trẻ, anh cứ rong ruổi mãi trên những nẻo quê của đất nước, hiếm khi thấy anh ngồi một chỗ. Nếu xếp theo thứ bậc thì anh thuộc lớp nhạc sĩ trẻ, sau lớp nhạc sĩ đã thành danh ở Tuyên Quang, như: Tân Điều, Tăng Thình, Vương Vình… Không giống như nhiều nhạc sĩ khác, anh sinh ra trong gia đình mà cả bố mẹ đều là nông dân. Tuy vậy, anh lại có niềm đam mê âm nhạc từ bé, lại được trời phú cho khả năng sáng tác nên anh luôn đặt ra mục tiêu để trở thành một nhạc sĩ thực thụ, để đem âm nhạc đến với cuộc đời. Thế nên, hồi còn là cậu bé con nhà nghèo, mỗi khi có các buổi biểu diễn âm nhạc ở địa điểm nào trong lòng thị xã nhỏ nhắn bên đôi bờ sông Lô này, anh đều rủ đám trẻ con trong phố đến xem bằng được, chả bỏ buổi nào. Dần dà, âm nhạc nó ngấm sâu vào anh, trở thành một thứ quen thuộc như cơm ăn nước uống hàng ngày. Rồi anh tập tành sáng tác nhạc. Ca khúc đầu tay của anh mang tên “Mùa chim én”, viết năm 2001 có những ca từ thế này:

“Mùa chim én về bay ngang qua núi

Nhìn hạt sương rơi trông đến cuối trời

Mong ngày mai sáng

Đôi chân bé nhỏ ước vỗ cánh bay...”

Con người ta khi đã có khát vọng thì bao giờ cũng tìm cách để đạt được cái khát vọng ấy. Với nhạc sĩ, NSƯT Quang Thủy thì con đường để đến được khát vọng là cả một hành trình dài, đầy gian nan, vất vả. Hay nói cách khác là “biết thân, biết phận” con nhà nghèo, bố mẹ đều là nông dân đi cày nên cái sự học của anh cũng phải bị ngắt quãng. Năm 2002 anh bắt đầu bước chân vào cánh cổng của ngôi trường chuyên nghiệp, học sáng tác, thanh nhạc tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Phải mất mười năm sau, tức là đến năm 2012 anh mới chính thức trở lại ngôi trường này để học hoàn thành chương trình Đại học. Tại đây, Thủy may mắn được gặp gỡ, học hỏi những người thầy đáng kính, như: An Thuyên, Trần Hiếu, Đức Trịnh, Phú Quang, Phó Đức Phương…

Gặp gỡ những nhạc sĩ lớn là điều kiện quan trọng để giúp Thủy hình thành nên phong cách sáng tạo. Nhiều người bảo, âm nhạc của Thủy có những nét rất riêng, thế nên chỉ cần mỗi nốt nhạc, mỗi giai điệu, mỗi ca từ cất lên là người ta nhận ra ngay nó là đứa con tinh thần của người nghệ sĩ tài hoa này. Đến nay, gần nửa cuộc đời gắn bó với âm nhạc, anh đã sáng tác trên một nghìn tác phẩm thuộc các thể loại giao hưởng, nhạc kịch, Oratorio (thuộc thể loại giao hưởng bằng lời, nhưng rút gọn); đồng thời viết hòa tấu, độc tấu, nhạc múa, các ca khúc…

Không chỉ tập trung cho sáng tác các loại hình âm nhạc, nhạc sĩ, NSƯT Quang Thủy còn trực tiếp đảm nhận vai trò Tổng đạo diễn khoảng 100 chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp cho 40 đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế. Trong đó, các chương trình nghệ thuật của anh đã từng góp mặt để tham gia Liên hoan âm nhạc tại Hàn Quốc và các nước thuộc khối Asean. Đó là một con số khổng lồ mà không phải nhạc sĩ nào cũng có được trên hành trình sáng tạo của mình. Một số tác phẩm nổi tiếng của anh phải kể đến “Những cánh hoa rơi”, “Một thời khói lửa”, “Mùa chim biển”… đã làm nức lòng khán, thính giả trong nước và quốc tế.

Khi tôi hỏi về các huy chương, giải thưởng, nhạc sĩ, NSƯT Quang Thủy chỉ vò đầu bứt tai, rồi thú nhận: “Em chả nhớ hết được”. Vặn hỏi mãi, cuối cùng Thủy mới chập chờn nhớ ra là đã có 7 Huy chương Vàng quốc tế, chưa tính đến các loại Huy chương Bạc và Huy chương đồng. Còn trong nước thì anh cũng đã ẵm về gần 40 Huy chương Vàng thuộc các thể loại âm nhạc. Ở đây có thể kể đến những tác phẩm do anh trực tiếp viết và dàn dựng: “Miền đá hát”, “Cội nguồn câu khắp”, đoạt Huy chương Vàng Liên hoan âm nhạc Đông Dương năm 2016; ca khúc “Ra trận”, Huy chương Vàng các nước Asean năm 2020… Từ những đóng góp tích cực, năm 2017 anh đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Đây là phần thưởng lớn, khẳng định tài năng, công sức, trí tuệ và niềm đam mê mà anh đã dành cho nghệ thuật âm nhạc trong suốt hàng chục năm qua.

Nói về dự định của mình, nhạc sĩ, NSƯT Quang Thủy bộc bạch với tôi rằng, anh đang đau đáu để xúc tiến việc phát triển văn hóa bản địa tại tỉnh Tuyên Quang. Nghĩa là sẽ trực tiếp thành lập các Câu lạc bộ thuộc các dân tộc thiểu số trong tỉnh, mà nòng cốt là các hạt nhân văn nghệ, để cùng khai thác, nâng tầm văn hóa Tuyên Quang đến với đông đảo người dân trong nước và quốc tế. Hy vọng rằng, những dự định của anh sẽ sớm trở thành hiện thực, như anh từng nói với tôi: “Đó là việc làm nghĩa tình nhất em có thể trả nợ với Tuyên Quang, mảnh đất mà em được sinh ra, nuôi em lớn lên như ngày hôm nay”.

Tạ Bá Hương

Tin tức khác