Ngày xuân gặp gỡ những nghệ sỹ tuổi thìn

Thứ ba, ngày 27-02-2024, 09:20| 418 lượt xem

Điền Phương Thảo - Trần Thị Lâm Huyền

Những vần thơ nhớ về một thời khói lửa

Một nhà thơ có lối sống giản dị, rất tình nghĩa và hòa nhã. Một nhà thơ tài năng, có cảm hứng sáng tác độc đáo mà sâu sắc, chặt chẽ, cẩn thận trong từng con chữ. Tài năng và tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm cẩn của ông đã để lại những dấu ấn khó quên trong lòng bạn đọc và tình cảm sâu nặng, ký ức đẹp đẽ về một thời khói lửa mà ông đã đi qua.

Nguyễn Hữu Dực là nhà thơ quân đội thực thụ cả ở phía tác giả lẫn tác phẩm. Trong cuộc đời thơ ca của mình, ông đã gắn bó với màu áo xanh của người lính. Những giai điệu, vần thơ của ông đều mang đậm chất của một người chiến sĩ. Đối với Nguyễn Hữu Dực, khi viết về người lính, ông luôn dành cho họ những lời tốt đẹp, không phải vì ông cũng là một người lính mà bởi vì tâm hồn của ông đã thuộc về họ.

Nguyễn Hữu Dực sinh ra và lớn lên ở Tuyên Quang. Ông sinh năm Nhâm Thìn 1952, đến nay ông đã ngoài 70 tuổi nhưng sức viết vẫn mạnh mẽ, nhất là khi được kể về những năm tháng chiến đấu hào hùng, ông từng tham gia quân đội nhân dân Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ, nó thể hiện trong mỗi trang thơ của ông, tình yêu văn học và tình cảm gắn bó với quân đội vẫn nồng nàn khi tham gia chiến đấu trong tư cách một người lính, là người chứng kiến sự ác liệt, hi sinh, nỗi đau thể xác và tinh thần của những người lính trong những năm tháng chiến tranh gian khổ và ác liệt. Sau giải phóng, ông về học tại Học viện Hậu cần và được giữ lại làm giảng viên cho đến khi chuyển ngành về Công ty ô tô Hà Tuyên (Tuyên Quang) cho đến khi nghỉ hưu. Hiện tại, ông vẫn đang miệt mài với tình yêu văn chương của mình ở ngôi nhà nhỏ tại phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang. Nguyễn Hữu Dực đã bắt đầu sáng tác thơ từ khi nhập ngũ. Thơ của ông rất mộc mạc, gần gũi, giản dị và giàu chất hiện thực. Cho đến nay ông đã xuất bản được 4 tập thơ “Về miền lan trắng” năm 2009, “Sông Lô gọi về” năm 2012, “Trầm bổng lời du” năm 2018 và tập thơ “Một thời khói lửa” năm 2023. Thơ ông đa dạng về thể loại, đề tài, giọng điệu.

Đề tài chiến tranh, người lính, quê hương luôn là nguồn cảm hứng lớn đối với người cầm bút, đặc biệt là những người viết đã bước ra từ tháng năm khói lửa. Đối với nhà thơ Nguyễn Hữu Dực thì đề tài về quê hương, người lính luôn là nỗi niềm sâu nặng. Nhà thơ Nguyễn Hữu Dực được biết đến là nhà thơ quân đội chân chính, ông trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, ông đã dành nhiều tình cảm cho những người lính mang áo xanh. Ông vừa cho ra đời tập thơ “Một thời hoa lửa”, khéo léo sử dụng tài năng của mình để vẽ nên bức tranh về người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ - một hình ảnh đậm đà tình yêu nước cùng tinh thần đoàn kết tha thiết. Nguyễn Hữu Dực viết văn, làm thơ như một bộc xuất nội tâm. Là người đi qua chiến tranh, ông thấu hiểu được nỗi đau vô bờ bến mà cuộc chiến tranh gây ra. Nhà thơ Nguyễn Hữu Dực chia sẻ: “Đa phần những bài thơ tôi viết trong những ngày trong chiến trận khi làm lái xe Trường Sơn. Tôi làm thơ luôn gắn liền với tình yêu quê hương đất nước, nơi tôi đóng quân và đi qua, nhất là với mảnh đất miền Trung. Tôi làm thơ về đề tài chiến tranh cách mạng bằng cảm xúc từ chính cuộc đời tôi, đồng đội tôi, trong đó có nhiều người đã nằm lại nơi chiến trường”.

Chiến tranh là đề tài nhà thơ Nguyễn Hữu Dực quan tâm, bởi hơn ai hết, ông là người trong cuộc. Thời kháng chiến đã đi qua, người lính quay trở về làm người bình thường, cũng như bao người khác phải lao động và lo lắng cho cuộc sống. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhiều năm nhưng ký ức về những ngày tháng sống, sát cánh cùng đồng chí, đồng đội chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc vẫn vẹn nguyên trong trái tim người lính. Càng sống trong độc lập hòa bình người lính càng nhớ về một thời hoa lửa. Khi mái tóc đã điểm sương, nỗi nhớ đó càng mãnh liệt, da diết... Chính những nỗi nhớ đồng đội luôn thôi thúc, giục giã người lính trở về chiến trường xưa, nơi lưu giữ những kỷ niệm về một thời hoa lửa của mình, là nơi ký ức chiến trường xưa sống lại trong trái tim người lính. Người chiến sĩ trong thơ Nguyễn Hữu Dực quay lại mảnh đất nơi chiến tranh ác liệt năm nào: Tôi về thăm chiến trường xưa/Tiếng súng hôm nào vọng lại/Nơi bạn nằm tươi hoa trái/Lúa reo mái ấm chim về (Quê hương đón các anh về) và Anh nhớ lại những người bạn chiến trường/Năm tháng cũ theo lệ nhòa sống lại/Bên lỗ châu mai hình ai còn sống mãi/Đồng đội ơi nhớ mãi nơi này (Điện Biên ngày trở về). Một trong những nét đẹp của người lính Cụ Hồ sâu sắc là tình đồng chí, đồng đội sâu sắc. Đó là thứ tình cảm bền lâu, được xây dựng trong những năm tháng cùng nhau sinh hoạt, cùng nhau vào sinh ra tử. Tình đồng chí, đồng đội của những người lính trở về từ chiến trường. Chúng tôi tứ xứ trăm miền/Gọi nhau đồng đội/Cùng nhau bước một hai tinh thần như ruột thịt/Bát cơm manh áo nhường nhau/Có lệnh hành quân/Một hai vào chiến dịch/Xung kích... Xung phong (Một hai... Một hai). Chỉ là trong họ luôn nhớ mãi về một thời oanh liệt nơi chiến trường bom đạn vô tình. Có lẽ, điều khắc khoải, nỗi day dứt lớn nhất trong nhà thơ Nguyễn Hữu Dực là những đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường: Nhẹ nhàng cho bạn bớt đau/Nắm sương lẫn đất thắm màu thời gian/Bao năm ngủ dưới mây ngàn/Giờ xin cõng bạn hỏi han chuyện mình (Cõng bạn).

Cuộc đời Nguyễn Hữu Dực như một chuyến đi dài, mà mục tiêu xuyên suốt hành trình là gặp lại đồng đội, dẫu chỉ là gặp gỡ trong tâm thức, trong nỗi nhớ. Những câu thơ được viết trong nỗi buồn vô hạn, khi ông trở lại Thành cổ Quảng Trị thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ, làm nhà thơ khắc khoải khôn nguôi. Người lính ngã xuống đã là mất mát khôn tả, nhưng khi các anh còn chưa được trở về quê quán thì sự hao khuyết nhân lên với người ở lại. Dưới mô đất này là máu lúc xung phong/Bên mô đất, góc tường còn hình ai đứng bắn/Sông Thạch Hãn đỏ ngàu bao xác bạn/Giữa hai bờ sống chết gọi tên nhau (Về thăm Thành cổ Quảng Trị). Nguyễn Hữu Dực, bằng cảm xúc chân thực của một người lính, đã có những câu thơ lay động lòng người. Tác giả muốn nói với người bạn đã hi sinh ngày hôm ấy rằng đến bây giờ đất nước đã hòa bình. Tâm sự của tác giả gửi gắm qua những câu thơ: Ai đứng say mê nhìn chim xây tổ ấm trên kia/Chúng đâu biết trên đất này một thời máu lửa/Tôi thắp nén hương cho người nằm dưới mộ/Bạn có vui Thành cổ buổi chim về (Tiếng chim hót bên Thành cổ Quảng Trị). Sau chiến tranh, những bài thơ Nguyễn Hữu Dực vẫn đầy ắp hoài niệm. Như một sự đúc kết sâu sắc của cuộc đời một con người hơn nửa thế kỷ cầm súng và cầm bút muốn gửi gắm lại cho thế hệ con cháu, mai sau. Chiến tranh đã đi qua nhưng những bài thơ về người lính vẫn luôn còn đó. Đó là những cảm xúc, cuộc sống của nhà thơ Nguyễn Hữu Dực khi chiến đấu ở chiến trường. Nếu không trong cuộc chiến tranh đó tôi nghĩ tác giả không thể nào viết được những vần thơ như vậy. Vì nó quá chân thực và khốc liệt. Vậy mới hiểu được những khó khăn, vất vả mà những người lính đã trải qua và những gì đã phải đánh đổi để có được cuộc sống hòa bình và ấm no. Cũng từ đó để biết yêu và trân trọng thêm những ngày hạnh phúc và hòa bình ngày hôm nay.

Trong tập thơ Một thời khói lửa, những ngày Nguyễn Hữu Dực đi nhập ngũ, đóng quân ở miền Trung ông vẫn đau đáu nhớ về quê hương, về người mẹ của mình. Những nỗi nhớ tác giả chỉ có thể viết vào những bức thư tay gửi đến mẹ: Mẹ yêu thương/Ngày hành quân/Thứ bao nhiêu rồi/Con chẳng nhớ nữa/Sáng thức dậy theo tiếng gà rừng/Đêm bản làng xa bập bùng ánh lửa/Trường Sơn trập trùng nâng bước con đi (Thư gửi mẹ). Người mẹ trong thơ Nguyễn Hữu Dực là hình ảnh những người mẹ mỏi mòn chờ đợi con mình trở về từ chiến tranh. Rõ ràng chiến tranh không được nhắc đến nhưng nó luôn hiện diện. Tác giả đã chọn mùa đông để làm nền cho sự đợi chờ của người mẹ, để hàm ẩn về thời gian, lo lắng cho đứa con trai của mình phải chịu rét buốt, lo lúc đói no, vùng quê nghèo nơi có mẹ đang chờ con về. Mẹ vẫn đợi con về/Biết không cản được chí trai/Lúc trái nắng trở trời, đông về lạnh buốt/Lo lúc đói no, ủ thêm chăn ấm/Chợ quê nghèo một chiếc bánh đa thơm (Mẹ vẫn đợi con về).

Nếu như nói đến chiến tranh là nói đến sự khốc liệt, sự mất mát, những đau khổ, những hi sinh lớn lao thì khi nói đến tình yêu ta nghĩ tới sự êm dịu, ngọt ngào và sâu đậm nhất với người lính đó là tình yêu trong chiến tranh. Giữa chiến trường ranh giới mong manh trước sự sống và cái chết, những khoảnh khắc gặp gỡ, trao nhau những tình cảm lưu luyến luôn để lại những ấn tượng khó phai trong lòng người lính. Trận tuyến của anh, trận tuyến của em/Hai trận tuyến gặp nhau giữa đầu tuyến lửa/... Thật không ngờ ta lại gặp nhau/Giữa trọng điểm bộn bề bóng giặc/Chẳng kịp nói gì chỉ trao nhau ánh mắt/Sức căm hờn từ đó nhân đôi (Hai trận tuyến). Chiến tranh tàn phá biết bao làng xóm, gia đình, tổ ấm hạnh phúc, nhưng chiến tranh cũng đã chứng kiến biết bao mối tình thật đẹp, thật chân thành và nên thơ. Chẳng gửi cho em/Được những vần thơ/Những con sóng tình anh ngày đêm vỗ bờ dào dạt/Ngày chúng mình xa nhau/Em có nghe biển hát/Sóng như những cánh tay trần/Gối đầu, giấc em say (Hoa biển). Chiến tranh có thể hủy diệt mọi thứ trên đường nó đi qua, song tình yêu như một sức mạnh không thể vùi giập mà trở thành sợi chỉ kết nối những con người nơi chiến tuyến, chốn hậu phương. Hình ảnh xúc động của một anh thương binh khi ở nhà đã ước hẹn sau khi trở về từ chiến trường sẽ nên chồng vợ. Nhưng số phận nghiệt ngã, anh lính trở về đã bị mất một chân. Trước những mất mát ấy, anh thương binh vô cùng tự ti với chính bản thân, nhưng cô gái vẫn chấp nhận và sống hạnh phúc bên nhau: Ngỡ ngày gặp em trong hạnh phúc êm đềm/Anh gửi lại chiến trường một bàn chân đã mất/Chị đón anh trong nụ cười, nước mắt/Họ tựa vào nhau đi giữa bao người/...Anh ơi! Tựa vào em không ngã được đâu/Đây đồng đội xóm làng ta đó/Anh sẽ có những đứa con và đàn em nhỏ/Mình chung tay cho cuộc sống an bình (Anh ơi! Hãy tựa vào em). Thơ ông như một cuốn phim sống động. Sức hấp dẫn không chỉ thể hiện trong cách thức lựa chọn góc độ tiếp cận hiện thực, ở cấu tứ, giọng điệu mà nó còn thể hiện ở sự trẻ trung, tươi tắn của những chàng trai, cô gái, những nguyên mẫu đời thường đã đi vào trang thơ một cách tự nhiên, trở thành những biểu tượng rạng rỡ cho vẻ đẹp và sức sống tình yêu của tuổi trẻ thời chống Mỹ.

Đề tài chiến tranh, vốn được xem như một mảnh đất màu mỡ để những người viết gieo trồng và gặt hái. Nhưng thật lạ, cũng từ đó, với tài năng tái cấu trúc thành thế giới nghệ thuật riêng của mình, Nguyễn Hữu Dực đã giúp đề tài có tầm vóc hơn. Nó không bạc màu, cũ kĩ mà xanh tươi và mênh mông như một thảo nguyên rộng lớn lôi cuốn độc giả. Phẩm chất nghệ sĩ của nhà thơ là cảm xúc chân thành trước hiện thực đời sống, trước số phận con người, có thể thấy nhà thơ luôn làm chủ được cảm xúc của mình, đồng thời kiểm soát được vần nhịp để thơ của ông không bị áp vần, lạc nhịp. Đây cũng là sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Hữu Dực trong hành trình làm mới mình, làm mới thơ, mới nhưng không lạ, sự tìm tòi để dần khẳng định giọng điệu riêng của thơ ông. Những bài thơ của ông mang trong mình hơi thở của một thời đại, đầy nghị lực, cứng cỏi và kiêu hãnh như người lính chiến trường chống Mỹ.

Chia sẻ về những dự định trong năm mới, nhà thơ Nguyễn Hữu Dực mong muốn có thật nhiều sức khỏe để có thể sáng tác ra nhiều tác phẩm cống hiến cho nền văn học của tỉnh nhà góp phần làm phong phú kho tàng văn học Việt Nam.

 

Đau đáu nỗi niềm với văn học Tuyên Quang

Nếu có ai hỏi tôi rằng, bạn có biết ai là người quan tâm, trăn trở với văn học địa phương tỉnh nhà, tôi có thể trả lời ngay mà không cần phải đắn đo, suy nghĩ: người ấy chính là bạn tôi, đồng nghiệp của tôi, Thạc sĩ Bùi Thị Mai Anh, nguyên Trưởng khoa Khoa học Xã hội - Nhân văn, trường Đại học Tân Trào, nơi tôi đã cùng bạn ấy gắn bó suốt ba mươi tư năm trong nghề nhà giáo.

Còn nhớ, từ những năm chín mươi của thế kỷ trước, khi bộ môn Ngữ văn (Tổ Văn - Sử, trường Trung cấp Sư phạm 12+3 của tỉnh) tổ chức một buổi ngoại khóa văn học, có mời các văn nghệ sĩ của tỉnh tới dự, cố nhà văn Đinh Công Diệp đã có ý kiến, đại ý: cần có nhiều chương trình ngoại khóa như thế và rất mong nhận được sự quan tâm của các giáo viên trong bộ môn Ngữ văn đối với các tác phẩm văn học tỉnh nhà. Ý kiến ấy là một lời đề nghị thật nghiêm túc, thật xác đáng nhưng trong suốt một thời gian dài, do nhiều lý do khác nhau (chủ quan có mà khách quan cũng có) nên văn học tỉnh nhà chưa thật sự được quan tâm. Thực ra là chưa có một giáo viên nào dám đụng tới mảng “khó nhằn” này, bởi bên cạnh lực lượng sáng tác cũng đông đảo, chất lượng thì lực lượng nghiên cứu, phê bình lại mỏng, thiếu chuyên nghiệp và không mặn mà với lĩnh vực “nhạy cảm” trong Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh nhà.

Nhưng rồi, khó mấy cũng đến ngày văn học Tuyên Quang được nhắc tới. Ấy là khi chương trình giáo dục phổ thông từ năm học 2001 - 2002 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) ban hành đã chính thức đưa một số tiết thuộc phần Chương trình địa phương vào từ lớp Sáu (trong đó có nhiều môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý (bậc Trung học cơ sở), còn các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Đạo đức dành cho bậc Tiểu học. Trong khi đó, trong tỉnh, chưa hề có một tài liệu nào nghiên cứu về mảng này cả, có chăng, cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu sách hoặc những bài viết chưa đủ độ sâu, phục vụ cho công tác dạy và học trong các bậc học. Giáo viên ở phổ thông nháo nhác hết cả lên vì vô cùng vất vả đi kiếm tài liệu và nhờ người hướng dẫn để có thể lên lớp được các tiết này (số tiết dành cho phần Ngữ văn địa phương ở cả bốn lớp Sáu, Bẩy, Tám, Chín lên tới hai mươi mốt tiết). Đương nhiên, các giáo viên của bộ môn Ngữ văn của trường Sư phạm tỉnh lúc ấy sẽ là địa chỉ để nhiều giáo viên Ngữ văn Trung học cơ sở (THCS) tìm tới như một cứu cánh. Để giúp được các đồng nghiệp ở THCS, anh chị em trong bộ môn Ngữ văn lại phải huy động hết khả năng, tìm tới các văn nghệ sỹ của tỉnh. Tuy nhiên, cách làm này vừa thừa lại vừa thiếu, thừa là vì có những văn nghệ sĩ quen thuộc thì tác phẩm của họ sẽ được đưa vào giảng dạy nhiều và lặp lại ở cả bốn lớp; trong khi đó, cả một tiến trình phát triển của văn học Tuyên Quang từ cội nguồn tới hiện tại không được nghiên cứu và bỏ sót khá nhiều tên tuổi, tác phẩm. Mà việc giúp lẻ từng giáo viên Ngữ văn ở THCS là việc rất mất thời gian nhưng hiệu quả cũng không cao.

Đứng trước tình hình đó, năm học 2005 - 2006, chị Mai Anh (khi đó đang công tác tại Khoa Tiểu học của trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang) đã rủ tôi (lúc ấy công tác tại khoa Xã hội) cùng nghiên cứu một đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp trường có tên “Biên soạn các tiết phần Ngữ văn địa phương Tuyên Quang lớp Sáu bậc THCS” (đề tài được thực hiện trong phạm vi một năm học). Sự kết hợp của hai chúng tôi lúc đó rất mạo hiểm, vì chúng tôi ở hai khoa khác nhau, mục tiêu đào tạo cũng như nội dung chương trình đào tạo cũng rất khác nhau, những năm đó, trường lại đông sinh viên nên công việc của chúng tôi đã rất vất vả, nhưng thấy bạn tôi quyết tâm quá, hơn nữa, lại được Hội đồng khoa học trường khuyến khích, cuối cùng, tôi cũng đồng ý hợp tác cùng chị ấy. Sau một năm đánh vật với việc nghiên cứu, tìm văn bản, mầy mò xây dựng đề cương, thiết kế bài giảng, tìm giáo viên dạy thực nghiệm các tiết Ngữ văn địa phương Tuyên Quang ở lớp Sáu, không ngờ đề tài NCKH của hai chúng tôi năm ấy được đánh giá loại A. Đã vậy, các giáo viên ở phổ thông biết tin, vui lắm và rất mong chúng tôi tiếp tục nghiên cứu để có tài liệu giảng dạy ở các lớp còn lại.

Cùng thời gian đó, chị Mai Anh được nhà trường cử tham gia Dự án Việt - Bỉ (một dự án giáo dục do Bộ GD-ĐT Việt Nam phối hợp với Vương quốc Bỉ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cho 14 tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Tuyên Quang). Thật may mắn làm sao, Dự án Việt - Bỉ cũng nhận thấy những khó khăn trong việc biên soạn các tiết trong phần CTĐP của các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam nên đã triển khai gói hoạt động biên soạn các giáo trình Văn hóa - Văn học và Ngôn ngữ địa phương (dành cho hệ Cao đẳng Sư phạm Ngữ văn) và Tài liệu hướng dẫn giáo viên Ngữ văn dạy phần Ngữ văn địa phương (dành cho bậc THCS). Khỏi phải nói, chị Mai Anh đã vui mừng đến thế nào khi biết điều này. Từ nơi tập huấn, chị ấy gọi về cho tôi, thuyết phục tôi tham gia cùng chị ấy trong hai dự án nhỏ này. Thật khó có thể nói lời từ chối với người đồng nghiệp yêu nghề, yêu văn học địa phương tỉnh nhà và tự nhận về mình một trách nhiệm lớn lao đến thế. Sau ba năm miệt mài nghiên cứu, vốn liếng trong tay chỉ có một đề tài NCKH cấp trường, thông qua các vòng thẩm định vô cùng khắt khe của Hội đồng thẩm định gồm toàn các Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành, hai cuốn sách Văn hóa - Văn học và Ngôn ngữ địa phương (giáo trình dành cho hệ Cao đẳng Sư phạm Ngữ văn) và Tài liệu hướng dẫn giáo viên Ngữ văn dạy phần Ngữ văn địa phương (dành cho bậc THCS) của hai chúng tôi đã được Nhà xuất bản Giáo dục và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội ấn hành năm 2010. Vậy là, yêu cầu, lời đề nghị nghiêm túc của cố nhà văn Đinh Công Diệp ngày nào đã được bạn tôi thực hiện một cách rất nghiêm túc và hiệu quả. Từ năm học 2010 - 2011, các giáo viên Ngữ văn THCS không còn phải lo lắng với các tiết Ngữ văn địa phương nữa.

Chưa dừng lại ở đó, khi trường lên Đại học, học phần Ngữ văn địa phương được đưa vào chương trình, tương đương các học phần khác với số tiết không nhỏ (30 tiết). Làm thế nào để giảng viên của Khoa Khoa học Xã hội - Nhân văn, trường Đại học Tân Trào có được tài liệu giảng dạy chuyên sâu học phần này theo đúng yêu cầu của chương trình đào tạo? Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề, ngay từ năm 2010, sau thành công của hai cuốn sách nói trên, chị Mai Anh đã mạnh dạn gặp lãnh đạo trường và đăng ký và làm chủ nhiệm đề tài NCKH cấp tỉnh “Sưu tầm và nghiên cứu thi pháp truyện cổ tích Tuyên Quang” với mục đích nghiên cứu văn học tỉnh nhà từ những chặng đầu tiên trong tiến trình của nó. Và tôi, người cộng sự tin cậy của chị, lại thêm một lần nữa, dấn thân vào lĩnh vực gai góc, vất vả này cùng chị với một niềm tin: bạn tôi sẽ thành công như đã từng thành công với các nhiệm vụ trước đó. Song song với đề tài này, chị còn tham gia hai đề tài NCKH cấp tỉnh khác (với tư cách thành viên) với tham vọng: càng có nhiều tài liệu để người dạy và người học tham khảo để có thể giảng dạy tốt học phần mới tinh trong chương trình đào tạo ngành Đại học Văn - Truyền thông của Khoa được triển khai năm học 2013 - 2014. Từ năm 2012, chị được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Khoa học Xã hội - Nhân văn, bên cạnh công tác quản lý, giảng dạy, việc mà chị rất quan tâm, khuyến khích các đồng nghiệp trong khoa là nghiên cứu Văn học, Lịch sử, Địa lý địa phương Tuyên Quang (vì đó cũng là những môn học đòi hỏi phải có tài liệu để giảng dạy trong Khoa).

Với tư cách là Trưởng khoa, chị Mai Anh gương mẫu, đi đầu trong việc nghiên cứu, và để đảm bảo thành công, chị luôn khuyến khích tôi tham gia cùng trong các công việc đó, vì chúng tôi đã quá quen với cách tiến hành công việc cùng nhau. Từ chỗ tôi thấy ngại, lo lắng khi nhìn thấy núi công việc bộn bề, rối như tơ vò, tôi đã đồng hành cùng chị trong nhiều năm, gỡ dần từng việc, từng việc. Cuối cùng, sản phẩm của những đề tài NCKH cấp tỉnh, cấp trường hàng năm của chúng tôi cùng những cuốn giáo trình, tài liệu đã được xuất bản đã dần hình thành nên cái khung của đề cương bài giảng học phần Ngữ văn địa phương (bậc đại học). Các đề tài nghiên cứu về các nhà văn Đinh Công Diệp, Vũ Xuân Tửu, Mai Liễu, Nguyễn Ngọc Hiệp… nối tiếp nhau hoàn thành và được Hội đồng khoa học Trường Đại học Tân Trào đánh giá cao, cứ lấp dần, lấp dần cái khoảng trống của học phần.

Ở bên chị Mai Anh, tôi như được tiếp một loại năng lượng tích cực đối với nhiệm vụ rất khó khăn này, đó là phải tiếp cận công việc một cách nghiêm túc, trách nhiệm và không được dừng bước. Đã có những lúc, chúng tôi bế tắc trước việc thiếu hụt nguồn tài liệu, không nhận được sự hợp tác từ những đối tác, công việc của Khoa nặng nề vì nhiều người đi học, nhiều công việc mới buộc phải tiếp cận cùng một lúc… nhưng chưa phút nào, tôi thấy chị nản chí. Ngược lại, chị luôn động viên tôi: là người bước đi những bước đầu tiên trong một nhiệm vụ khó khăn đến thế, phải biết chấp nhận và vượt lên. Khi nghiên cứu về các tác giả, chị thường gặp và trao đổi cụ thể với từng nhà văn, nhà thơ, để tránh võ đoán, một chiều trong các nhận định. Khi giảng dạy học phần Ngữ văn địa phương, chị yêu cầu sinh viên phải mượn, photo toàn bộ báo Tân Trào từ số đầu tiên tới thời điểm đó, chia thành các thể loại, phân cho các em theo từng nhóm tập nghiên cứu, tìm hiểu về văn học tỉnh nhà một cách bài bản, không hời hợt, qua loa. Chị cho số điện thoại, địa chỉ nhà riêng các nhà văn, nhà thơ để các em tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu. Khi sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp, chị hướng các em chọn các đề tài nghiên cứu về các nhà thơ, nhà văn của tỉnh: Vũ Xuân Tửu, Lê Na, Trịnh Thanh Phong… Đây chính là cách chị chuẩn bị cho sinh viên sau khi ra trường, có thể chủ động nguồn tài liệu khi giảng dạy phần Ngữ văn địa phương được triển khai ở tất cả các bậc học sau này (mà không bị lúng túng, thụ động).

Chính vì những đóng góp rất lớn cho việc đưa văn học tỉnh nhà vào nhà trường mà hai cuốn sách đã xuất bản của chị (tôi có vinh dự được tham gia cùng) đã được Quỹ Tài năng sáng tạo Phụ nữ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen năm 2013. Chị liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” nhiều năm liền và hai lần “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”, Bằng khen của Chủ tịch tỉnh, Bộ GD-ĐT cho những đóng góp của chị trong chuyên môn, nghiệp vụ.

Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng chị vẫn tiếp tục sáng tác thơ văn, nghiên cứu với tư cách là hội viên Chi hội Văn học, thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Chị vẫn được các đồng nghiệp trẻ biên soạn phần Ngữ văn địa phương trong bộ môn Ngữ văn các cấp hiện hành của tỉnh tới trao đổi tài liệu để viết sách giáo khoa, để nghiên cứu luận văn Thạc sĩ, tài liệu phục vụ công tác dạy và học, mời dạy một số tiết… Bởi, tình yêu với văn học địa phương Tuyên Quang vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm trong trái tim người thày chưa bao giờ hết yêu nghề này.

Tuyên Quang, 25/12/2023

Tin tức khác