Duyên nợ với múa dân gian

Chủ nhật, ngày 22-05-2022, 10:07| 1.042 lượt xem

Nghệ sỹ Lê Cường quê ở Gia Lâm - Hà Nội nhưng sinh ra và lớn lên tại Tuyên Quang. Đối với người nghệ sỹ ấy múa là cơ duyên để lập nghiệp, phát triển niềm đam mê. Là một nghệ sỹ, biên đạo múa gạo cội của tỉnh, dưới ánh đèn sân khấu, những vai diễn của ông luôn tỏa sáng, mang đậm bản sắc văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số.

“Linh hồn” của những điệu múa

Là một biên đạo được đào tạo chuyên nghiệp, có thâm niên trong nghề, nghệ sỹ Lê Cường dành nhiều tâm huyết cho những tác phẩm mà mình sáng tạo, cái chất nổi trội trong ông là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật múa cổ điển với đương đại. Qua đó gìn giữ được những giá trị của nghệ thuật truyền thống và thể hiện được sự hội nhập văn hóa một cách văn minh, dễ dàng tiếp cận đến khán giả nhiều lứa tuổi khác nhau. Có lẽ vì sinh ra ở vùng cao Tuyên Quang nên khi làm những tác phẩm ông luôn tâm huyết dàn dựng các tiết mục mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số như: Tày, Dao, Cao Lan, Pà Thẻn,     Mông... Để có được điều này ông dành nhiều thời gian đi điền dã nhiều nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các huyện Lâm Bình, Chiêm Hóa, Na Hang, Hàm Yên… ông ăn và ở cùng với bà con trong các bản làng.

Nghệ sỹ Lê Cường kể: Có những ngày đi điền dã ở địa phương, trời mưa tầm tã trắng xóa bầu trời, con đường đất trơn trượt, chiếc xe máy dường như không muốn chạy mà cứ ì ra vì bánh xe dính bùn đất, cứ loay hoay mãi cũng may là có những người tốt bụng trong bản giúp đỡ qua những đoạn đường khó. Vào trong các bản làng những người làm nghệ thuật như ông mọi người quý lắm, khi biết ông là người trong đoàn nghệ thuật của tỉnh đến mọi người cả người già và đám trẻ nhỏ tíu tít xung quanh ông trong căn nhà sàn nhỏ, ngồi bên căn bếp lửa hồng ông uống chén trà nóng hổi xua tan phần nào cái giá lạnh vùng cao. Ông chăm chú nghe các già làng trưởng bản kể về những câu chuyện, phong tục tập quán đặc trưng nơi đại ngàn hoang sơ, kỳ bí của người dân bản địa, tái hiện lại những tục lệ, nghi lễ đặc trưng của dân tộc rồi từ đó ông học hỏi thêm nhiều động tác, ghi âm lại những câu chuyện ấy mang về cùng những đêm thức trắng trăn trở làm thế nào để cho ra tác phẩm hay. Từ những kiến thức thực tế đó nghệ sỹ Lê Cường mô phỏng, cách điệu cho từng điệu múa, cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật được dàn dựng, kết hợp nhiều yếu tố sáng tạo, đến gần hơn với cuộc sống thực tế và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho khán giả. Với ông múa là sự thăng hoa đầy ngẫu hứng, nhưng nó thăng hoa chính hiện thực cuộc sống, là hành trình kiếm tìm sự sáng tạo từ hiện thực cuộc sống.

Đưa múa gần hơn với khán giả

Thành công mà biên đạo Lê Cường gặt hái được là xuất phát từ sự say mê, tâm huyết với nghệ thuật múa. Ông lao động và sáng tạo nghệ thuật một cách nghiêm túc, cẩn trọng. Để có được những tác phẩm múa để lại dấu ấn trong lòng công chúng, ông cùng các cộng sự đã dành rất nhiều thời gian tìm kiếm nội dung, đề tài thể hiện. Mỗi khi có ý tưởng và dự định sáng tạo một tác phẩm, ông dành trực tiếp đến từng vùng đồng bào dân tộc sinh sống để tìm hiểu về văn hóa, con người của vùng đất ấy, rồi nghiên cứu để đưa những nét văn hóa đậm chất truyền thống ấy vào các vở diễn... Chính những chất văn hóa ấy đã gây ấn tượng đặc biệt với công chúng và đạt được nhiều giải thưởng lớn: “Nhịp điệu tang sành” là một ví dụ, đó là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông, đã đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan múa toàn quốc năm 2015 và Huy chương Bạc Liên hoan múa quốc tế năm 2017; “Linh hồn lửa thiêng” đạt giải C cuộc thi tác phẩm múa các dân tộc Việt Nam năm 2010; “Lễ cấp sắc” đạt Giải thưởng Tân Trào về văn học nghệ thuật năm 2016... Ngoài ra nghệ sỹ Lê Cường còn là Tổng đạo diễn các lễ hội ở Lâm Bình, Chiêm Hóa và các màn dự thi múa. Những dấu ấn văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Lan, Dao, Pà Thẻn… từ trang phục, đến đạo cụ là các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày đều được đưa người nghệ sỹ lên sân khấu, để lại ấn tượng sâu sắc đối với khán giả trong và ngoài tỉnh.

Nghệ sỹ Lê Cường tâm sự về kỷ niệm khi đoàn nghệ thuật của ông đi lưu diễn ở các địa phương trong tỉnh mỗi chuyến đi kéo dài cả chục ngày có khi cả tháng. Đoàn đi từ huyện đến các thôn bản ở các vùng sâu vùng xa, nhiều địa điểm ô tô không đi đến nơi, cả đoàn khuân vác cả đống đồ cồng kềnh, nặng nề, lội suối vào các thôn bản. Thời tiết không phải lúc nào cũng thuận lợi, nắng đổ lửa còn có thể đổ bằng mồ hôi nhưng mưa gió khiến cả đoàn lo lắng hơn cả, mọi người đội mưa, che bạt cho những đồ nghề biểu diễn khỏi bị ướt. Ngày ấy điều kiện kinh tế còn khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, đoàn nghệ thuật cũng được bà con trong thôn bản rất quý mến và tạo điều kiện giúp họ có nơi ăn chốn nghỉ, có gia đình cho đoàn ăn ngủ ở nhà họ, còn một số ít người thì được ở nhờ nhà văn hóa thôn. Buổi chiều tối trước giờ diễn đã bắt đầu rộn ràng, các gia đình ở thôn bản “hò” nhau đi xem như trẩy hội, bọn trẻ chạy thật nhanh đến sớm chọn cho mình chỗ gần khán đài nhất, không khí nhộn nhịp cả một vùng quê, nói đến đây ông xúc động kể: Hôm ấy, buổi diễn sắp bắt đầu thì ông thấy một bà lão lưng còng dắt tay một cháu nhỏ tiến lại gần, tay cầm theo túi trứng gà đưa cho ông bảo đổi lấy vé, còn có người mang theo gạo với một số sản vật nhà làm để được vào xem chương trình nghệ thuật, ông luôn đón nhận một cách vui vẻ và trân trọng những tình cảm ấy. Xúc động trước những tình cảm của người nông dân chất phác dành cho đoàn nghệ thuật, mọi người đều hăng say biểu diễn “cháy” hết mình trên sân khấu hòa lẫn vào những tiếng vỗ tay reo hò của mọi người, trong lòng người nghệ sỹ ấy cũng ánh lên niềm vui và niềm hạnh phúc.

Đối với nghệ sỹ Lê Cường, múa là một bộ môn nghệ thuật không biên giới. Nó cũng giống như các loại hình nghệ thuật khác là thông qua ngôn ngữ riêng để phản ánh hiện thực một cách sinh động nhất. Đó là bài học nằm lòng để ông thấm nhuần ngôn ngữ đặc thù của múa, muốn trở thành một tác phẩm nghệ thuật đích thực, phải được công chúng cảm nhận. Nghệ sỹ Lê Cường là người cẩn trọng đến từng chi tiết nên với nhiều tác phẩm, ông sắm luôn vai trò thiết kế sân khấu, đạo cụ và phục trang để tự do thỏa mãn hết ý tưởng, các trăn trở, tìm tòi của chính mình, là sự thăng hoa của cảm xúc từ hiện thực và kĩ thuật múa đương đại mà khi xây dựng một tác phẩm ông đã nâng niu chăm chút. Mỗi động tác, ánh mắt, nụ cười của diễn viên là sự sáng tạo của biên đạo, sự hóa thân vào cuộc sống của người đồng bào dân tộc thiểu số.

Hơn 40 năm công tác trong ngành văn hóa, am hiểu tường tận bản sắc tộc người ở Tuyên Quang, trải qua nỗi vui buồn và cả những giọt mồ hôi thấm đẫm trên sàn tập hay những buổi nắng nóng cháy sạm màu da trên sân khấu ngoài trời qua mỗi chương trình. Niềm hạnh phúc đến rơi nước mắt khi thấy được thành quả của bản thân và tập thể anh em nghệ sỹ sau mỗi chương trình được các cấp ghi nhận. Có lẽ, nếu nói về thành tích trong nghề, Lê Cường là một nghệ sỹ có nhiều giải thưởng và bằng khen. Đến năm 2019 nghệ sỹ Lê Cường được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú đó là phần thưởng cao quý, ghi nhận tâm huyết, nỗ lực sáng tạo của diễn viên, biên đạo múa Lê Cường, là động lực để ông tiếp tục cống hiến, góp phần thúc đẩy nghệ thuật múa dân tộc và văn hóa văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển. Với lòng đam mê và con đường đã chọn, mong rằng ông sẽ còn làm được nhiều chương trình nghệ thuật hay hơn nữa cho tỉnh nhà và cho đất nước, để lại dấu ấn không phai trong lòng công chúng yêu nghệ thuật.

 

Điền Phương Thảo

Tin tức khác