Gặp ở Mỹ Bằng

Thứ ba, ngày 27-02-2024, 08:55| 319 lượt xem

Bút ký của Mai Nam Thắng

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm Công ty cổ phần Hồ Toản.

 

Hạ sĩ Cựu chiến binh Phạm Văn Hiến quê ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, nguyên là lính Tiểu đoàn 12 của tỉnh đội Hà Tuyên hồi chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Tôi gặp Hiến năm 1988 ở mặt trận Vị Xuyên. Cái sự gặp gỡ giữa chiến trường nó kỳ lạ lắm, đôi khi chỉ một lần, chỉ một chốc, nhưng là kỷ niệm sinh tử, thành tri kỷ suốt đời. Tôi với Phạm Văn Hiến cũng thế, mặc dù anh kém tôi đúng chục tuổi và lúc gặp nhau anh kém tôi gần chục tuổi quân. Thế là sau chiến tranh cùng lần hồi chắp nối, điện thoại trao đổi, hẹn hò… rồi lần lữa thất hứa hết lý do này đến lý do khác. Mãi đến đầu Thu năm 2023, tôi mới quyết định dẹp hết mọi việc để ngược Tuyên Quang. “Đến thôn 14, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, vào Công ty cổ phần Hồ Toản, hỏi Phạm Văn Hiến nhân viên bảo vệ là ô-kê nhé!”. Cứ đinh ninh thực hiện đúng như thế, tới nơi mới té ngửa người: Thì ra anh bạn lính Vị Xuyên của tôi đang làm nhân viên bảo vệ cho Công ty Bò sữa của Tổng Giám đốc Lương Duy Toản, một người đồng hương cùng huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình với tôi.

Vâng, lâu nay đọc báo, nghe đài và chuyện trò với các đồng nghiệp ở Tuyên Quang, tôi được biết hiện nay trên địa bàn tỉnh này đang có 4 doanh nghiệp bò sữa làm ăn khấm khá, trong đó Công ty cổ phần Hồ Toản là doanh nghiệp lớn thứ ba trong cả nước về số lượng đàn bò và sản lượng sữa, xếp sau Vinamilk và TH True Milk. Nghe thế thì biết thế. Lại loáng thoáng ý nghĩ cái tên Hồ Toản chắc có liên quan đến ông Hồ Giáo, người hai lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động vì thành tích nuôi bò. Nào ngờ Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hồ Toản lại là Lương Duy Toản, một doanh nhân tôi đã vài lần gặp gỡ trong các cuộc hội ngộ đồng hương Tuyên Hóa ở Hà Nội. Toản học cùng trường cấp ba nhưng sau tôi hơn chục khóa, là em ruột của cô bạn đồng nghiệp khá thân thiết của tôi, cũng kém tôi dăm tuổi. Bố Toản và bố tôi trước đây đều là cán bộ cùng cơ quan Ủy ban nhân dân huyện Tuyên Hóa. Hồi đó, bố Toản là kỹ sư phòng Nông nghiệp, còn bố tôi làm bên Văn phòng Ủy ban nhân dân… Chúng tôi quen biết nhau chủ yếu vì những mối quan hệ trên đây. Và trong những lần gặp gỡ, chủ yếu cũng chỉ nói về những chuyện trên đây. Chuyện kinh doanh thương trường của Toản, tôi là người ngoại đạo nên không để ý…

Trong lúc tôi đang lởn vởn vân vi với cái tên “Công ty cổ phần Hồ Toản” của kỹ sư Lương Duy Toản, thì anh bạn Cựu chiến binh Phạm Văn Hiến lại hào hứng kể về những ngày khởi nghiệp của Công ty cổ phần Hồ Toản nơi đây mà anh được chứng kiến và tham gia. Rằng khu vực trang trại này, thời bao cấp thuộc Nông trường Chè Tháng Mười của tỉnh Hà Tuyên, rộng hơn hai chục héc ta. Những năm đầu chuyển sang cơ chế hạch toán kinh doanh, nông trường chè rệu rã rồi giải tán, khu tập thể gia đình công nhân nông trường trở thành một đơn vị hành chính do xã quản lý dân cư. Khu sản xuất của nông trường thì “tái cơ cấu” thành Công ty Chè Sông Lô của tỉnh. Nhưng rồi chè Sông Lô cũng không chống chọi nổi với cơ chế thị trường. Tỉnh chuyển sang trồng cỏ cung cấp cho Công ty Bò sữa Phú Lâm. Năm 2006, Công ty Bò sữa Phú Lâm được bàn giao cho Tập đoàn Vinamilk quản lý. Theo đó, mất gần chục năm dân tình ở đây làm ăn chênh chao. Đất đai chỗ thì thì bị lấn chiếm, xà xẻo; chỗ thì trồng chè, chỗ trồng cỏ, chỗ trồng mía… Giữa năm 2016, sau khi được tỉnh phê duyệt dự án đầu tư nuôi bò công nghệ cao, Công ty cổ phần Hồ Toản lên hạ trại khởi nghiệp, mới thành ra cơ ngơi như hôm nay. Ngày ấy Phạm Văn Hiến là cán bộ thôn, trực tiếp dẫn Tổng Giám đốc Hồ Toản đi cắm cọc xác định mốc giới, thu hồi đất đai, đền bù giải tỏa…

Bây giờ kể lại thì nghe nhanh chóng thuận tiện vậy, chứ thật ra hành trình đến và trụ lại được với mảnh đất Mỹ Bằng này của Lương Duy Toản cũng ngót nghét chục năm mới gặp được thời cơ hội đủ “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Tuyên Quang cũng như nhiều địa phương trong cả nước ta vốn không có truyền thống và kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa, nhất là chăn nuôi tập trung, sản xuất hàng hóa theo công nghệ hiện đại. Phải đến những năm đầu tiên của Thiên niên kỷ thứ ba, khi Đảng và Nhà nước chủ trương đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi bò sữa, Chính phủ ra Quyết định 167/2021/QĐ-TTg về chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2001 - 2010, một số địa phương vùng Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc mới có những quan tâm thỏa đáng đến ngành nghề này, với những dự án khả thi cụ thể. Bấy giờ, Tuyên Quang cũng hình thành một vài cơ sở chăn nuôi bò nhập từ Úc, Mỹ, New Zealand… Lớn nhất tỉnh là trang trại của Công ty TNHH Sữa Cho Tương Lai

(VN Futuremilk) là Dự án chăn nuôi bò sữa 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, những năm đầu, đàn bò ở Tuyên Quang phát triển kém vì thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, thiếu nguyên liệu thức ăn thô và tinh… cùng nhiều lý do khác nữa, nên năng suất và chất lượng không cao, đàn bò bị nhiễm bệnh dẫn đến số lượng hao hụt dần... Lại thêm tình trạng thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá sữa nguyên liệu bán ra liên tục sụt giảm, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, thậm chí không có lãi. Trước thực trạng khó khăn đó, năm 2006, lãnh đạo tỉnh phải “chuyển nhượng” trang trại bò sữa Phú Lâm ở huyện Yên Sơn cho Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) nhằm góp phần vực dậy ngành chăn nuôi bò sữa của Tuyên Quang.

Cùng thời gian trên đây, chàng trai quê Quảng Bình Lương Duy Toản, sau khi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam với tấm bằng đỏ, đã được Bộ Nông nghiệp cử đi du học 2 năm về nghiên cứu, khuyến nông, sản xuất và phát triển quản lý dự án (Research, extension, production and project management) tại Học viện Nông nghiệp Thái Lan (Kasetsart University). Tốt nghiệp khóa đào tạo trên đây, Lương Duy Toản về nước, công tác ở Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam, phụ trách cơ sở sản xuất thức ăn gia súc ở Ngọc Hồi thuộc huyện Thanh Trì - Hà Nội. Một cơ duyên may mắn khiến cơ sở sản xuất của Lương Duy Toản trở thành nhà cung cấp sản phẩm Soi-bin-min (Soybean meal) thường xuyên với khối lượng khá lớn cho VN Futuremilk ở Tuyên Quang. Soi-bin-min là bã đậu nành, còn gọi là “khô đậu tương”, là một thành phần từ hạt đậu nành, dùng để chế biến thức ăn tinh cho bò sữa. Sản phẩm này thu được sau quá trình sàng lọc tinh chiết hạt đậu xay nhuyễn để làm sữa đậu nành, váng đậu, đậu phụ, dầu ăn...

Sau ngót chục năm làm nhà cung cấp tin cậy cho VN Futuremilk, Lương Duy Toản có điều kiện thâm nhập sâu vào ngành chăn nuôi bò sữa của tỉnh Tuyên Quang, nắm chắc dư địa, hiểu rõ những khó khăn và thuận lợi của ngành này ở địa phương, đặc biệt là chủ trương ưu tiên phát triển ngành bò sữa của lãnh đạo tỉnh. Rồi một ngày đẹp trời, khu vực “đồi nông trường” ở thôn 14, xã Mỹ Bằng - Yên Sơn, lọt vào “mắt xanh” của chàng kỹ sư trẻ đang rạo rực tinh thần khởi nghiệp. Sau khi khảo sát thực địa, nắm chắc tình hình, tập hợp số liệu, kêu gọi một số cổ đông tiềm năng... anh bắt tay vào viết Dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa kỹ thuật cao của Công ty cổ phần Hồ Toản đặt tại địa chỉ trên đây.

Đúng như tính cách con trai Quảng Bình, sau khi hoàn chỉnh đề án, Lương Duy Toản gửi trực tiếp một bản cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang qua đường email, kèm một bức thư điện tử hết sức thẳng thắn, chân thành và tâm huyết. Thế rồi vài tuần sau, lại vào một ngày đẹp trời tháng thanh minh năm 2016, Lương Duy Toản nhận được điện thoại trực tiếp của đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, với giọng nói ôn tồn và thân thiện: “Tôi đang họp Trung ương nên không thể tiếp anh được. Tôi đã trao đổi với anh Thắng, Phó Bí thư Thường trực rồi. Anh thu xếp lên Tuyên, làm việc cụ thể với anh Thắng nhé!”.

Được lời như cởi tấm lòng. Sáng hôm sau Lương Duy Toản một mình một xe con hăm hở ngược miền gái đẹp, bảo vệ khá thành công từng hạng mục của dự án trước đồng chí Nguyễn Hồng Thắng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, vốn là một bác sĩ có tác phong làm việc hết sức cẩn trọng và khoa học. Những buổi làm việc sau đó với lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành chức năng, tuy nhiều khi khá “cân não”, nhưng cũng lần lượt trót lọt, đầy thiện chí và tin tưởng…

“Cái buổi ban đầu” của Công ty cổ phần Hồ Toản ở Tuyên Quang là như thế! Đến nay, sau hơn 6 năm thành lập và đi vào hoạt động, vốn đầu tư đến đầu năm 2023 đã lên trên 465 tỉ VND; đàn bò qua 2 giai đoạn đầu tư đã đạt 2.700 con, với tổng sản lượng sữa mỗi ngày bình quân trên 43 tấn... Công ty cổ phần Hồ Toản đã trở thành một tên tuổi của ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam.

*

Có lẽ khi biết tôi đang có mặt tại trang trại của Công ty, Tổng Giám đốc Lương Duy Toản cũng ngạc nhiên như tôi khi được biết anh chính là thủ lĩnh của Công ty cổ phần Hồ Toản. Anh a-lô rối rít mời tôi lên phòng khách của Ban Giám đốc. Một căn phòng nằm trên tầng 2 của tòa nhà 2 tầng, bài trí bình thường như nhiều phòng khách công sở mà tôi từng biết. Chỉ khác là toàn bộ tầng 1 là khu sản xuất, cụ thể là… vắt sữa bò. Tức là ở đây, người và bò cùng ở chung một nhà (!). Từ phòng khách, tôi xin phép sang phòng Trung tâm điều hành, sững sờ ngỡ như bắt gặp mấy cô gái Hà Lan thường thấy trên ti-vi đang ngồi chăm chú trước màn hình máy tính. Đang định hỏi các cô về mấy cái nút tín hiệu nhấp nha nhấp nháy xanh đỏ trên màn hình rộng kê giữa căn phòng, chợt nhìn qua cửa sổ, thấy ngay dưới chân mình là mấy chục con bò đang xếp hàng ngay ngắn như sắp sửa… duyệt đội ngũ.

Tôi bước đến gần hơn bên cửa sổ, hít căng lồng ngực, vẫn chỉ thoang thoảng mùi Chanel Coco tràn ngập không gian quyến rũ của các “cô gái Hà Lan”. Như đoán được thắc mắc của tôi, kỹ sư Lê Đức Đô giải thích vắn tắt: Kia là hệ thống vắt sữa tự động SCR milking parlor của Israel, dạng song song, mỗi bên có 26 ngăn, mỗi ngăn là một con đứng vắt sữa. Ngăn nào cũng có “mắt thần” nhận dạng “lý lịch” của bất cứ con bò nào bước vào đấy, cùng các số liệu về tình trạng sức khỏe, năng suất sữa và vân vân các thứ rất nhiều thông số cần thiết. Toàn bộ hệ thống này cũng như tất cả các loại chuồng trại đều được vệ sinh liên tục bằng dây chuyền tự động. Phân gio, chất thải được vận hành automatic về một hố tập kết. Tại đây sẽ có hệ thống tách chất bã bán cho một công ty sản xuất phân bón vi sinh tận dưới Hà Nội, còn nước thải thì cho vào bể ủ Biogar và phải qua 3 lần xử lý trước khi cung cấp cho hệ thống tưới cỏ của các đơn vị vệ tinh nguyên liệu. Nôm na “nông nghiệp tuần hoàn” là lấy sản phẩm từ “đầu ra” của cây - con này đút vào “mồm” của cây - con kia…

Đầu tháng 5/2023 vừa qua, Tổ chức chứng nhận KNA và VinaControl đã trao giấy chứng nhận ISO 9001:2015 và ISO 22000:2018 cho Công ty cổ phần Hồ Toản. Đó là những tiêu chuẩn hết sức khắt khe về quản lý chất lượng do Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế - ISO (International Organization for Standardization) ban hành. Với chứng nhận này, sản phẩm sữa tươi nguyên liệu từ trang trại của Công ty cổ phần Hồ Toản đã được kiểm soát về an toàn thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu khắt khe nhất phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Theo đó, Công ty cổ phần Hồ Toản được đánh giá là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi bò sữa ở Tuyên Quang và khu vực phía Bắc. Toàn bộ quy trình từ chế biến thức ăn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho đàn bò, xử lý nước sạch, làm mát chuồng trại, xử lý chất thải, vắt sữa, bảo quản sữa tươi v.v… đều được tự động hóa.

Trong khi tôi đang mắt chữ A mồm chữ O theo dõi trên màn hình cái hệ thống máy lọc nước uống cung cấp cho bò, sạch hơn cả nước La Vie đóng chai, thì dưới kia rùng rùng chuyển động 52 chị bò vừa được vắt sữa xong, đang khoan khoái bước ra, nhường chỗ cho 52 chị bò tiếp theo. Tất cả răm rắp đều đặn. Chỉ một loáng, 52 chị bò đã ngay ngắn dạng chân trong 52 ô ngăn của hệ thống vắt sữa. Mỗi ô chỉ dài rộng kiểu “đo bò làm chuồng”, vậy mà các chị bò tự giác đâu vào đấy, chưa đầy nửa nốt nhạc. 52 chị bò mà chỉ một cô công nhân phụ trách vắt sữa. Kỹ sư Lê Đức Đô nói khẽ với tôi: Bò sữa rất thích được vắt sữa. Vì vậy chỉ cần lùa đến đây là chị nào chị nấy nhanh nhảu chui vào các ô, rất tự giác và hào hứng.

Rồi đích thân kỹ sư Lê Đức Đô dẫn tôi “thị sát” một vòng toàn bộ cơ ngơi của Công ty. Càng đi càng lắm sự ngạc nhiên thú vị vì những điều ngoài trí tưởng tượng của tôi về một trang trại nuôi bò. Tiện chân, tôi đề nghị anh Đô dẫn tôi vòng theo con đường phía sau khu nhà nghỉ của công ty, bởi cái tên “xóm Cây Quân” khiến sự mò mò của tôi ngọ nguậy. “Cây quân” là cách gọi cây bồ quân của đồng bào trên này, có lần tôi đã nghe một đồng nghiệp ở Tuyên Quang giải thích như thế. Gọi là “xóm Cây Quân” mà chẳng có cây bồ quân nào cả giữa một đồi cỏ công nghiệp tốt tươi mướt mát đang dạt dào trong gió thu. Thật đúng là “bé cái nhầm”!

Chúng tôi gặp một đôi vợ chồng đang ngồi nghỉ bên chiếc xe bò chất đầy cỏ mới cắt. Anh chồng là Phạm Văn Tỉnh, 43 tuổi, còn cô vợ trạc ngoài ba mươi. Anh chị cho biết: Gia đình có trên 20.000 m2 đất đồi, nhận khoán thêm 20.000 m2 đất công ty nữa để trồng cỏ. Tổng cộng 40.000 m2 đất phải chia lô để trồng cuốn chiếu, thu hoạch cuốn chiếu, mỗi ngày độ 2 tấn bán cho công ty, thông qua đại lý dù nhà ở sát bên hàng rào doanh nghiệp. Cỏ Măm-ba-sa được chăm sóc hoàn toàn bằng phân hữu cơ, tưới bằng nước thải đã qua xử lý của công ty, gia đình chỉ mua ống dẫn khoảng 1,5 km. Máy bơm và điện thì công ty hỗ trợ một phần, nước tưới thì được miễn phí hoàn toàn. Hơn một chục gia đình ở xóm Cây Quân là đối tác nguyên liệu của công ty đều như thế. Có gia đình phải kéo đường ống hơn 2 km, phải có bể bơm trung chuyển… Trồng cỏ chỉ vất vả lần đầu khi trồng và sau khi cắt chừng nửa tháng; còn lại hằng ngày đi cắt cuốn chiếu thì không vất vả cấp bách lắm. Vì vậy, 40.000 m2 cỏ nhưng 2 vợ chồng làm là chính, thỉnh thoảng chăm sóc sau cắt thì phải thuê thêm vài người. Tổng thu nhập cả 2 vợ chồng mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng; cũng tương đương với lương công nhân của Công ty nhưng giờ giấc tự do hơn. Hiện tại, anh chị đang nuôi 2 con trai ăn học phổ thông, mỗi năm để dành được trên dưới 70 triệu đồng, nên đã xây được ngôi nhà đổ mái bằng, vài năm nữa sẽ chồng thêm mái ngói cho mát và chống thấm…

Được biết, ngoài địa bàn tại chỗ, vùng nguyên liệu của công ty còn vươn ra nhiều huyện trong tỉnh, như: Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương… rồi cả huyện Vị Xuyên trên Hà Giang và một số huyện bên Yên Bái nữa. Công ty có các đối tác làm đại lý đi thu mua để cung cấp nguyên liệu thức ăn theo hợp đồng lâu dài ổn định. Các đại lý phải chịu trách nhiệm về chất lượng và số lượng nguyên liệu của họ. Như vậy, ngành chăn nuôi bò sữa phát triển đã thúc đẩy ngành trồng trọt phát triển theo. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, chỉ riêng Công ty cổ phần Hồ Toản đã tạo được công ăn việc làm cho 120 lao động trực tiếp, chưa kể hàng trăm lao động thời vụ và gần 2.000 lao động gián tiếp tại các vùng nguyên liệu của công ty…

*

Suốt ngày bù đầu với công việc, Lương Duy Toản mấy lần nhắn tin nhắc tôi “tối nay anh em mình ngồi với nhau nhé!”. Ô-kê, tôi cũng đang muốn hỏi chuyện chú đây! Tất nhiên câu chuyện của chúng tôi bên mâm cơm tối hôm đó không phải là chuyện đồng hương, chuyện quan hệ giữa hai gia đình… mà là chuyện làm ăn của công ty, liên quan đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nơi công ty đang đứng chân.

Điều trăn trở nhất của Lương Duy Toản hiện nay là làm sao để địa danh Tuyên Quang được gắn liền với một thương hiệu sữa nổi tiếng. Muốn vậy, Tuyên Quang phải có cơ sở chế biến sữa chứ không chỉ là một địa bàn cung cấp nguyên liệu cho các nhãn hiệu sữa như hiện nay. Ngành chế biến sữa thành phẩm là một ngành đang sơ khai ở nước ta mà hiện nay chỉ mới có vài doanh nghiệp khai thác được. Tỉnh Tuyên Quang đang có ưu thế về ngành chăn nuôi bò sữa, đang là vùng sản xuất ra khá nhiều sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày. Nếu ngành chế biến sữa phát triển được tại tỉnh nhà, không chỉ doanh nghiệp có lãi, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương, mà còn góp phần giải quyết được khá nhiều việc làm cho người lao động tại chỗ, giúp cho người lao động “ly nông không ly hương”. Hiện tại, mô hình hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại khép kín, bao gồm trang trại chăn nuôi bò sữa và nhà máy chế biến công nghệ cao, kết hợp với du lịch sinh thái, đang được các công ty lớn trong ngành sữa đưa vào khai thác và đạt hiệu quả rõ rệt. Mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, kết nối với nhau, phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường… không chỉ mang đến bước phát triển mới cho ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đã tạo dựng được những thương hiệu sữa khá ấn tượng, như: Sơn La có Mộc Châu Milk; Lâm Đồng có Đà Lạt Milk; Nghệ An có TH True Milk và Vinamilk... Vậy tại sao tỉnh Tuyên Quang là địa phương đang có lợi thế cạnh tranh trong ngành chăn nuôi bò sữa, lại không tận dụng cơ hội này để đưa ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đem lại nguồn thu nhập cho người dân cũng như phát triển kinh tế của địa phương?

Chỉ có hai anh em với nhau thôi mà Lương Duy Toản “đăng đàn” hùng hồn như đang đứng trên bục hội nghị. Vâng, tỉnh Tuyên Quang hoàn toàn có khả năng phát triển đàn bò sữa và ngành chế biến sữa tại tỉnh nhà khi được đầu tư bài bản, xứng tầm và sẽ trở thành địa phương nổi danh trên bản đồ ngành sữa Việt Nam. Đó cũng là mục tiêu mà Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà và tất cả chúng ta cùng nỗ lực phấn đấu, ông kỹ sư đồng hương thân mến ạ!

M.N.T

Tin tức khác