Về thăm đất cổ Vạn Ninh

Thứ ba, ngày 07-11-2023, 15:24| 1.854 lượt xem

Trong quá trình tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Móng Cái, tôi vô tình nghe được câu ca dao:

     Cầm bằng bác mẹ chẳng sinh

Thì em xuống phố Vạn Ninh cho rồi

Phố Vạn Ninh trong câu ca dao ấy không phải là con phố nằm ở khu trung tâm Móng Cái như tôi lầm tưởng ban đầu, mà đó là một khu phố cổ, một thương cảng quan trọng của nước ta từ thời xa xưa. Điều đó đã đem đến cho tôi sự bất ngờ và mong muốn tìm hiểu kĩ hơn về địa danh bí ẩn này.

Đi dọc theo đường Tuệ Tĩnh, qua địa phận phường Ninh Dương, tôi tới vùng đất có tên là Vạn Ninh. Nơi này nằm ở phía Nam của thành phố Móng Cái và cách khu vực trung tâm khoảng 10 cây số. Nhìn quang cảnh và cuộc sống hiện tại, tôi khó mà hình dung được nơi đây xưa kia đã từng có một thương cảng với những hoạt động buôn bán sầm uất, tấp nập.

Ảnh minh họa. Đình Vạn Ninh, Móng Cái, Quảng Ninh

Theo lời kể của các cụ cao tuổi trong làng thì Vạn Ninh xưa còn có tên gọi là làng Bần, làng Đồng Chùa. Tuy là một làng ven biển nhưng Vạn Ninh không phải là vùng đất mới được bồi đắp gần đây. Vạn Ninh là một vùng đất cổ. Mảnh đất nhỏ bé này, thật kỳ diệu, đã gắn với sự phát triển loài người từ những buổi bình minh của lịch sử. Nếu ai đã biết đến nền văn hoá thời kỳ hậu đồ đá mới (mà các nhà chuyên môn còn gọi là "Nền văn hoá Hạ Long") thì hẳn không thể không biết đến những di chỉ tiêu biểu như Gò Thoi Giếng, Gò Ông Tổng, Dốc Bà Mừng. Đó là những di tích cho thấy: từ thời tiền sử cách đây 5-6 nghìn năm, người Việt Cổ đã xuất hiện và sinh sống tại nơi này.

Các cụ già còn cho biết: từ thời Lý – Trần, Vạn Ninh đã là nơi tập trung đông đúc các thuyền buôn của nước ngoài. Để tiện cho việc thu thuế và quản lý thuyền bè nước ngoài ra vào nội địa, nhà Lý đã chính thức cho mở thương cảng Vân Đồn và tạo dựng các ''vùng đệm'' cho thương cảng quan trọng này. Từ đó, Vạn Ninh đã trở thành cảng tiền tiêu trong hệ thống bến bãi trải dài từ Yên Hưng đến tận vùng địa đầu Đông Bắc. Cũng như nhiều thương cảng khác trên đất nước ta, thương cảng Vạn Ninh tập trung nhiều lái buôn người Việt đến sinh sống. Bên cạnh đó còn có không ít người Hoa sang làm công việc môi giới trung gian cho các thuyền buôn Trung Quốc và các nước khác. Nhờ đó đã khiến cho khu vực này trở thành một nơi đông đúc, nhộn nhịp, trên bến dưới thuyền mà người xưa gọi là phố Vạn Ninh.

Nghiên cứu thêm các tài liệu lịch sử, tôi được biết sau thời đại Lý – Trần, khu phố cổ Vạn Ninh vẫn tiếp tục được phát triển và mở rộng đến tận cuối thế kỉ XIX. Điều đó thể hiện qua các mốc thời gian và sự kiện tiêu biểu như:

- Năm 1717, chúa Trịnh Cương quy định những Hoa kiều cư trú đã lâu ở các phố xá như Mao Điền (Hải Dương), Bắc Kạn (Thái Nguyên), Kỳ Lừa (Lạng Sơn), Vạn Ninh (An Quảng) và Mục Mã (Cao Bằng) đều cho phép được cư trú như cũ.

          - Năm 1764, chúa Trịnh Doanh quy định lại một lần nữa: Những thương nhân trung Quốc sang biên giới chỉ được ở Vân Đồn, Vạn Ninh (An Quảng), Càn Hải, Hội Thống (Nghệ An), Triều Khẩu (Thanh Hóa).

- Sách “Đại Nam nhất thống chí” cho biết cụ thể địa điểm được mở rộng buôn bán là: “ Cửa An Lương ở  xã An Lương, cách châu Vạn Ninh 57 dặm về phía Đông có một nhánh ở xã Vạn Xuân, châu Vạn Ninh”. Tiền thuế thường niên ở cửa quan này được sách Hội Điển ghi rõ: “ Tiểu ngạch thuế cửa An Lương, châu Vạn Ninh, tỉnh Quảng Yên, có một cửa chính, một cửa phụ ở An Dương:

          + Gia Long năm năm thứ 18(1819) là 7.500 quan

          + Thiệu Trị năm thứ 4 (1844) định giá trung bình cả năm là 8.000 quan, tháng nhuận thêm 1 tháng, cộng 8.666 quan, lệ nộp nửa bạc nửa tiền”.

          - Triều đại các vua Gia Long và Minh Mạng quy định: “thuyền buôn từ phủ Quảng Châu, phủ Triều Châu - châu Nam Hùng, phủ Huệ Châu, phủ Phúc Kiến... rộng 25 thước đến 14 thước mà đến buôn ở Vạn Ninh (thuộc Quảng Yên, Bắc Thành) thì mỗi thước chịu tiền thuế là 120 quan”.

          Sau các khoảng thời gian trên, không có tài liệu nào ghi chép thêm về sự hoạt động thường xuyên và nhộn nhịp của thương cảng Vạn Ninh nữa. Người ta cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do khu vực này nằm ở cửa sông Thác Mang, có nhiều ghềnh thác, bị phù sa bồi lấp nhiều gây khó khăn cho tàu bè qua lại. Hoạt động buôn bán vãn dần, cư dân cũng thưa thớt đi. Cùng với sự tàn phá của thời gian, của thiên tai địch họa, thương cảng tiền tiêu cùng với khu phố cổ sầm uất khi xưa, đến bây giờ chỉ còn lại là những dấu tích lặng thầm nằm sâu trong lòng đất.

Tuy vậy, nhờ hình thành và phát triển trong suốt cả một giai đoạn dài mà vùng đất Vạn Ninh cho đến nay còn lưu giữ lại những giá trị lịch sử vô cùng to lớn. Các tư liệu lịch sử cho thấy, khi xưa những mặt hàng thường được trao đổi ở thương cảng Vạn Ninh bao gồm có lâm hải sản, hương liệu, lụa là, gấm vóc. Trong đó nổi bật và chủ đạo nhất là đồ gốm sứ. Điều đó đã được minh chứng bằng các lớp sành sứ, các khối đất nung có lớp thuỷ tinh như hóa men ở mặt ngoài và các mảnh gốm sứ thuộc nhiều niên đại khác nhau được khai quật tại thôn Đông và các địa điểm như bến Vập Dạt, Thoi Sành, Gò Gai, Gò Sim. Đặc biệt hơn, căn cứ vào xương gốm, các nhà khoa học còn khẳng định những hiện vật khai quật được có xuất xứ từ cả Trung Quốc và Việt Nam. Đáng chú ý hơn là số hiện vật gốm sứ có xuất xứ Việt Nam chiếm phần lớn. Điều đó cho phép khẳng định: bên cạnh dòng gốm có nguồn gốc từ Trung Quốc thì các sản phẩm gốm sứ của Việt Nam từ lâu đã là một sản phẩm thương mại để trao đổi với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, loại gốm có xuất xứ từ vùng đất này không chỉ có gốm Vạn Ninh theo cách gọi của giới chơi gốm cổ, dòng gốm được sản xuất từ các lò của người Hoa trên đất Móng Cái hồi cuối thế kỉ XIX, mà nơi đây còn là cho ra đời ra những sản phẩm gốm sứ của người Việt từ thời nhà Lý. Những dấu tích còn lại được khai quật tại khu vực cánh đồng Ngà đã cho phép các nhà nghiên cứu kết luận chắc chắn rằng: Vạn Ninh đã từng là một trung tâm sản xuất gốm sứ lớn, tồn tại liên tục trong nhiều năm.

Trong quá trình hình thành và phát triển, mảnh đất Vạn Ninh còn là nơi ghi dấu ấn đậm nét của cha ông ta khi xưa trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước. Đọc trong sử sách, chúng ta tự hào và khâm phục về vị tướng anh hùng Lý Thường Kiệt, người đầu tiên trong lịch sử có chiến lược “tấn công để phòng ngự”. Chúng ta biết về cuộc tập kích do ông tổ chức vào cuối thế kỉ XI, đánh thẳng sang đất Tống, tiêu diệt các căn cứ của địch để phá tan âm mưu xâm lược nước ta, khi những âm mưu ấy mới chỉ trong trứng nước. Nhưng không phải ai trong chúng ta cũng nhớ rằng: trong cuộc tấn công để tự vệ ấy, Lý Thường Kiệt đã lấy Vạn Ninh làm nơi tập kết thủy quân trước khi tiến sang đất Tống và trở về với khúc khải hoàn ca. Điều đó đã trở thành niềm tự hào của nhân dân Vạn Ninh. Để tưởng nhớ công ơn của người anh hùng Lý Thường Kiệt, nhân dân Vạn Ninh đã tôn ông làm thành hoàng làng và lập đình thờ ông cùng đạo sắc phong được vua Tự Đức ban. Trải qua các thời kì nối tiếp, cho đến nay, trong đình Vạn Ninh còn thờ 7 vị thần – thành hoàng khác là: Không Lộ thiền sư, Giác Hải thiền sư, Trần Hưng Đạo, Trần Thánh Tông, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Lê Lợi. Các vị này cũng đều có sắc phong vua ban vẫn được lưu giữ đến nay.

Cùng với những di tích vật thể được bảo tồn, vùng đất ven biển này còn là nơi lưu giữ giá trị di sản phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt. Tiêu biểu nhất phải kể đến là hội đình Vạn Ninh - một lễ hội được tổ chức hằng năm vào ngày mùng 10 và 11 tháng Giêng Âm lịch. Đây là một lễ hội mang nhiều nét đặc sắc vùng miền nên thu hút rất đông du khách đến tham gia. Cũng giống như những hội làng truyền thống của dân tộc Việt, lễ hội ở đây cũng luôn gồm đủ cả hai phần: lễ và hội. Phần lễ luôn diễn ra trang trọng, linh đình với các nội dung: Lễ cáo yết, Lễ rước Thần, Lễ nghênh Thần, Lễ an vị, Lễ nhập tịch, Lễ cúng Thần, Lễ tế Thần và Lễ tống (tiễn) Thần. Phần hội thường được tổ chức sôi nổi và cuốn hút với các trò hát đối, hát ví, múa tế, chơi cờ người, cờ tướng, kéo co, giao lưu văn nghệ và bình thơ… Đặc biệt nhất trong lễ hội đình Vạn Ninh phải kể đến một lối hát dân gian rất nổi tiếng mà người dân thường gọi là hát nhà tơ – hát cửa đình, hát chầu thần hay hát chúc thần. Loại hình nghệ thuật này được coi là phần hồn của lễ hội, là “đặc sản” văn hóa chỉ có ở vùng đất ven biển Đông Bắc này. Theo nhà nghiên cứu Tống Khắc Hài, hát nhà tơ – hát cửa đình là giai đoạn đầu của hát ca trù nhưng còn bảo tồn được nhiều nét cổ riêng biệt: Hát cửa đình gắn liền với tục thờ thành hoàng làng của người Việt. Khi biểu diễn, ngoài hát còn có múa hương, múa đèn – nghi lễ tôn kính, chào đón các thành hoàng. Người hát kiêm người múa luôn chứ chưa đến giai đoạn nổi bật của các đào nương như với hát ả đào, hát cô đầu ở giai đoạn sau của hát ca trù. Đồng thời lối hát này cũng khác với ca trù cả về âm điệu, lề lối, nhạc cụ, cách thức trình diễn, ví như người hát đứng chứ không ngồi, dùng phách, sênh và trống cái chứ không dùng trống chầu... Với những nét đặc sắc đó, hát nhà tơ – hát cửa đình đã trở thành tài nguyên văn hoá phi vật thể mang tính nguồn cội, là niềm tự hào không chỉ riêng của người Vạn Ninh mà còn của cả tỉnh Quảng Ninh, của cả một dải đất ven biển Đông Bắc Tổ quốc.

Theo chân những ngư dân của làng, tôi đi đến tận phần cuối của xã Vạn Ninh. Mở ra trước mắt tôi là một vùng bãi bồi rộng lớn. Xa xa phía bên trái là bán đảo Bình Ngọc - Trà Cổ, phía bên phải là đảo Vĩnh Thực. Tôi thấy rõ cả những vệt sóng trắng xóa tung lên phía sau những chiếc xuồng máy đang vun vút đi từ Mũi Ngọc ra. Tôi đã nhiều lần ra đảo nên đã nhiều lần được nhìn thấy vùng đất Vạn Ninh khi ngồi trên những chiếc xuồng như thế. Nhưng lần này, đứng trên đất Vạn Ninh để nhìn ngắm những chuyến xuồng đang hối hả vào ra, tôi lại cảm thấy mình đang trải nghiệm một cảm giác thật thú vị. Có lẽ đó là niềm vui, niềm tự hào khi được đứng trên một vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa và có lịch sử lâu đời. Tôi băn khoăn tự hỏi: Nơi nào trên mảnh đất này in dấu chân của người anh hùng Lý Thường Kiệt và đoàn quân thủy chiến năm xưa? Bến nào trong những bến này vốn là nơi thương thuyền nước ngoài neo đậu? Sau tất cả những điều lý thú vừa tìm hiểu, tôi đã có đáp án cho câu hỏi của chính mình: Mỗi tấc đất nơi này, tự nó đều mang trong mình những dấu tích của thời gian, của quá trình hình thành và phát triển các thế hệ con người gắn bó với nó trong lịch sử, có những lúc hưng thịnh và cũng có những lúc suy tàn. Đấy là quy luật muôn đời của cuộc sống: sinh ra để rồi lại mất đi. Nhưng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể còn tồn tích lại từng lớp sâu dưới lòng đất kia và hiện hữu trong cuộc sống từng ngày nơi làng biển này sẽ mãi là những biểu trưng của văn hóa truyền thống dân tộc, mãi là những điều vô giá được trân trọng và trường tồn với thời gian.

MC, tháng 1/2013

Bút ký của Đặng Thị Thúy

Tin tức khác