Đảo Trần - Nơi ấy không xa

Thứ tư, ngày 20-09-2023, 14:43| 706 lượt xem

Đảo Trần (thuộc xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) là một trong những hòn đảo tiền tiêu trọng yếu của Tổ quốc. Riêng với người dân Quảng Ninh, đảo Trần còn được ví như Trường Sa của Vùng Đông Bắc thân yêu. Bởi vậy, được đặt chân lên đảo Trần là niềm mong ước của rất nhiều người.

Sau rất nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, cơ duyên bất ngờ đã đưa tôi đến với hòn đảo tiền tiêu xa xôi ấy. Đoàn chúng tôi xuất phát bến từ Mũi Ngọc, thuộc địa phận phường Bình Ngọc, Thành phố Móng Cái. Chiếc xuồng cao tốc màu trắng, trang bị đầy đủ hệ thống phao cứu hộ rẽ sóng hướng ra khơi. Tiếng tiếng máy nổ giòn tan khuấy động cả một vùng biển đang tĩnh lặng. Tàu lao vun vút trên mặt nước xanh ngắt màu ngọc bích, để lại phía sau những vệt bọt sóng trắng xóa tuyệt đẹp, như thể một con đường vừa được vẽ lên trên mặt biển, nối tàu với vùng đất liền đang dần xa khuất phía sau và cứ thế kéo dài ra mãi. Con tàu đưa chúng tôi đi song song với đảo Vĩnh Thực, nơi tôi từng sống, làm việc tròn 15 năm trước. Những ký ức thân thương lại chợt ùa về. Những gian khổ, những niềm vui, những gương mặt học trò, bạn bè, đồng nghiệp… biết bao kỷ niệm cứ lần lượt hiện lên trong tâm trí tôi. Tôi giới thiệu cho anh chị em trong đoàn công tác về đảo Vĩnh Thực. Kia là cảng Vạn Gia, kia đầu Đông, kia Đầu Tán, còn có cả Bến Hèn, Xóm Giỏ, phía này là xã Vĩnh Thực, phía kia là xã Vĩnh Trung. Tòa nhà màu vàng ở chót vót trên đỉnh núi phía xa kia chính là Hải Đăng Vĩnh Thực, nơi có anh chàng gác đèn tên Dụng – người đã quyết tâm nối nghiệp cha để ra với ngọn hải đăng xa xôi này chỉ vì yêu biển và yêu những ngọn đèn biển. Nghe nói, anh chàng ấy vẫn ở đấy, vẫn ngày đêm tận tụy với công việc suốt hàng chục năm rồi. Tàu vẫn thẳng tiến ra khơi cùng những câu chuyện rôm rả như thế, theo hướng chỉ của người dẫn đoàn, chúng tôi đã thấy đảo Trần hiện ra trước mắt, giữa một vùng trời nước mênh mông.

Đảo Trần, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh nhìn từ trên cao

Sau chừng bốn mươi phút kể từ khi xuất phát, tàu của chúng tôi bắt đầu lách qua những con tàu đánh cá của bà con ngư dân để tiến vào cầu cảng trên đảo Trần. Hôm nay gió nam, âu tàu có nhiều tàu về neo đậu hơn thường lệ. Trên các mặt khoang, bà con đang tranh thủ phơi vá lưới để chuẩn bị cho chuyến ra khơi khi biển lặng.

Tôi đã thực sự đặt chân lên đảo Trần. Một cảm giác thật lạ, thật vui, thật tự hào. HÌnh ảnh đầu tiên tôi thấy ngay khi vừa lên bờ là một dãy nhà liền kề nhau, được thiết kế cùng một kiểu, rất khang trang và đẹp mắt. Được biết đó là 17 căn nhà do Tổng Công ty Đông Bắc xây tặng cho bà con các hộ gia đình đến định cư lập làng trên đảo. Nếu không phải bởi xung quang được bao phủ bởi núi, bởi ngăn ngắt cây xanh và biển, thì làng đảo trông chẳng khác gì một dãy phố hiện đại trong đất liền. Nụ cười hồn hậu của người dân làng đảo, những câu hỏi, câu chào khiến chúng tôi quên hết cả cái nôn nao vì say sóng.

Cán bộ chiến sỹ đồn Biên phòng Đảo Trần (Đồn 6) đón chúng tôi bằng những cái nắm tay thật chặt, thật thân tình. Các anh giới thiệu cho chúng tôi làm quen với từng người trong đơn vị, cho chúng tôi biết những đặc điểm cơ bản nhất của đảo Trần, về tình hình đời sống của cán bộ chiến sỹ và nhân dân nơi đây. Đảo Trần có diện tích 4,43 km2, nằm cách đường phân định trên vịnh Bắc bộ chưa đến 5 km, có vị trí chiến lược trọng yếu và là khu vực quan trọng về giao thương kinh tế với Trung Quốc. Xung quanh đảo là ngư trường truyền thống của ngư dân vùng Bắc Bộ. Đảo có điện từ máy phát đặt trên đảo, có đủ nước ngọt cho sinh hoạt, có trường học, có giáo viên được điều từ đát liền ra để dạy học cho trẻ, có những con đường bê tông đang tiếp tục được nối dài và các công trình khác đang tiếp tục được xây dựng phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ và bà con. Tuy đã được quan tâm, cải thiện rất nhiều so với những năm trước, song vẫn còn đó không ít khó khăn, thách thức, gian nan.

Trên đảo có Tiểu đoàn đảo Trần - Lữ đoàn bộ binh phòng thủ đảo 242, Đồn biên phòng số 6, trạm radar 480 và trạm hải đăng. Do thời gian có hạn nên chúng tôi không có cơ hội thăm tất cả các đơn vị đang đóng quân và làm nhiệm vụ trên đảo, chỉ kịp đi lướt qua tất cả các khu nhà đó trên chiếc xe ô tô duy nhất của đảo. Chúng tôi tiến thẳng về phía Cột cờ Tổ quốc trên đảo Trần, một công trình đặc biệt mà không ai có thể bỏ qua khi đã đến đây.  

Cột cờ Tổ quốc trên đảo Trần được khởi công xây dựng vào ngày 21/3/2015, tại điểm cao nhất của đảo ở độ cao 188 m so với mực nước biển và gần trạm radar Hải quân 480. Đây là một trong bảy cột cờ được xây dựng tại các đảo tiền tiêu của Tổ quốc, bao gồm: Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cù Lao Xanh (Bình Định), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu), đảo Thổ Chu (Kiên Giang), Hòn La (Quảng Bình) và Đảo Trần (Quảng Ninh) thuộc Đề án xây dựng đảo thanh niên toàn quốc giai đoạn 2013-2020. Công trình do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Tỉnh Đoàn Quảng Ninh phối hợp với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thực hiện. Sau 5 tháng xây dựng, hạng mục chính là Cột cờ Tổ quốc được khánh thành vào ngày 22/8/2015. Đến ngày 9/9/2015, các công trình đường dẫn, khuôn viên, nhà lưu niệm tiếp tục được khánh thành, gắn biển lưu niệm và đưa vào sử dụng. Đây là công trình thanh niên chào mừng Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022. Cột cờ có chiều cao tổng cộng là 22,5 m, trong đó phần cột cao 15 m, còn lại là phần bệ. Khuôn viên và Nhà lưu niệm có diện tích 432.5m2, đường dẫn lên Cột cờ dài 172m, lòng đường trong rộng 1m, mặt đường có đoạn làm dạng bậc thang, có đoạn dốc thoai thoải tạo gờ chống trượt, hai bên có rãnh thoát nước đảm bảo an toàn cho công trình và người di chuyển từ chân núi lên. Từ sau khi khánh thành, toàn bộ công trình đã được giao cho trạm radar hải quân 480 quản lý.

Sau chặng leo dốc khá dài trên con đường rợp bóng cây mát rượi, chúng tôi lên đến Nhà thờ Bác Hồ. Thắp nén tâm nhang trước hương án và tượng Bác, chúng tôi dành những phút mặc niệm để tưởng nhớ công lao to lớn của Người, cầu mong Người linh thiêng, phù hộ cho đất nước yên bình, thịnh vượng. Từ Nhà thờ Bác Hồ, lên tiếp một nhịp bậc thang lát đá, tôi chính thức chạm tay vào cột cờ Tổ quốc. Lặng ngắm Quốc huy, cờ Tổ quốc và những dòng chữ khắc nổi “CHXHCN Việt Nam; Đảo Trần – Vỹ độ 21O 14’17’’N, Kinh độ 107O 58’ 05E”, tôi hiểu mình đang có vinh dự được đứng trước Cột mốc chủ quyền trên đảo Trần – Trường Sa của vùng Đông Bắc thân yêu. Từ điểm cao nhất của hòn đảo này, chúng tôi có thể ngắm toàn cảnh xung quanh. Và giữa vùng trời nước bao la xanh ngăn ngắt, sóng vỗ ì ào bốn phía ấy, ngay trên đầu chúng tôi, lá cờ Tổ quốc nền đỏ sao vàng đang tung bay kiêu hãnh. Nếu bạn có cơ duyên được đến nơi này, hãy thử làm giống như tôi, đứng thật nghiêm trang trước cột cờ, đặt tay lên ngực trái và hát lên giai điệu hùng tráng của bài quốc ca, bạn sẽ thấy trong lòng mình trào lên một cảm xúc thật lạ, sẽ thấy trái tim mình đập rộn lên theo nhịp hát, sẽ thấy mắt và sống mũi của mình cay cay. Đó là gì, bạn biết không. Đó là lòng tự hào và tình yêu Tổ quốc đang trỗi dậy trong lòng đấy. Chỉ cần đứng ở đây và làm như thế, mất chừng 10 phút thôi, bạn sẽ thấy 10 phút ấy giá trị hơn gấp nhiều lần những bài thuyết trình sáo rỗng.

Chúng tôi rời đảo Trần vào cuối chiều trong luyến lưu và nuối tiếc. Luyến lưu vì những cái nắm tay thật chặt chưa muốn rời. Tiếc vì không được ở lại đảo nhiều hơn, để có thể đi hết một vòng quanh đảo, để có thể gặp hết những cán bộ, chiến sỹ và mười sáu hộ gia đình đang làm nhiệm vụ và sinh sống nơi này, để gặp được chị Trưởng thôn – người công dân đầu tiên của Đảo Trần, gặp cô giáo trẻ từ đất liền ra dạy chữ cho lớp học đặc biệt có dăm em học trò mà tập hợp đủ các trình độ từ mẫu giáo trở lên… Hẳn là còn rất nhiều chuyện cuốn hút.

Tàu lại rẽ sóng hướng về đất liền. Đảo Trần xa hút dần sau vệt nắng và những lằn sóng trắng xóa phía sau. Lá cờ Tổ quốc trên đỉnh cao vẫn tung bay phấp phới, đầy kiêu hãnh, kiên cường. Tạm biệt nhé đảo tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc, nhất định sẽ có ngày chúng tôi quay trở lại. Bởi vì, Đảo Trần - nơi ấy không xa.

Đặng Thị Thúy

Tin tức khác