Cột mốc giữa cổng trời huyền thoại

Thứ ba, ngày 28-11-2023, 21:26| 467 lượt xem

“Bao đêm xuyên rừng âm u qua bao vách lèn hoang vu, hay giữa chốn bom đạn giặc Mỹ, ta gìn giữ miền biên khu. Khi xuất kích gian nan rừng sâu. Tình yêu thương đồng đội có nhau. Mỗi ngọn núi con sông nơi Trường Sơn, vẫn ấm áp tình dân”. Câu hát hào hùng trong ca khúc “Đêm Cha Lo” của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã đưa chúng tôi lên cổng trời theo con đường Hồ Chí Minh huyền thoại để đến với miền biên khu nổi tiếng của đất Quảng Bình chang chang cát trắng. Tỉnh Quảng Bình có đường biên giới đất liền dài 222,118km, tiếp giáp với hai tỉnh Khăm Muộn và Savannakhet, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Toàn tuyến có 61 mốc quốc giới và 1 cọc dấu nằm trên địa phận 4 huyện biên giới Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Ninh và Lệ Thủy thuộc địa bàn sinh sống chủ yếu của 2 dân tộc Chứt và Bru-Vân Kiều.


Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biê n phòng Cà Roòng và nhân dân địa phương tham gia tuần tra biên giới, bảo vệ mốc quốc giới số 537. Ảnh: Tuệ Lâm


Nhìn trên bản đồ, vùng đất này nằm trên trung lộ của con đường cái quan xuôi về phương Nam. Đồng thời, qua nhiều thế kỷ, cũng là vùng đất ngoại vi, là địa bàn biên viễn của các triều đại phong kiến trước khi nhà Nguyễn thống nhất giang sơn, nên Quảng Bình gánh vác “sứ mệnh” là nơi tiền đồn phên dậu, được xem là trọng trấn của mọi vương triều. Hẳn là vì thế nên Quảng Bình cũng trở thành miền chiến địa, là nơi các trận chiến diễn ra không ngừng và các thế lực thay nhau cát cứ. Đồng thời, cũng là vùng tiếp biến và lưu giữ các giá trị văn hóa Bắc - Nam qua bao đời. Và đúng như sử gia người Anh Arnold J.Toynbee đã nhận định: “Những xứ nằm ở vùng biên viễn đều có sinh lực mạnh mẽ”, chủ nhân của vùng đất lửa này vừa cần cù, khoan hòa, nhân ái, những cũng thực sự kiên cường, bất khuất, không cam chịu khuất phục trước thiên nhiên khắc nghiệt hay sự đàn áp, cai trị độc tài.

Trong kháng chiến chống Mỹ, khu vực biên giới Quảng Bình cũng là tuyến trọng điểm của đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại cùng những cung đường nhánh sang đất bạn Lào. Đế quốc Mỹ đã ném xuống con đường này hơn 7,5 triệu quả bom phá, bom sát thương và hàng triệu quả mìn các loại. Quân dân Quảng Bình đã cùng bộ đội Trường Sơn san lấp 78.000 hố bom, phá hơn 20.000 quả bom nổ chậm và bom từ trường, hơn 85.000 mìn các loại; đào đắp đất đá gần 30 triệu mét khối; xây dựng được 16.000km đường ô tô, 3.082km đường ống xăng dầu, 10.000km đường dây thông tin...

Các lực lượng trên tuyến đã đánh 110.000 trận; bắn rơi 2.458 máy bay Mỹ gồm 30 loại, trong đó có cả B52, bắt sống 10 giặc lái. Trong hàng ngàn chiến công nối tiếp chiến công ấy còn in đậm dấu ấn và sự hi sinh của những chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang trên cung đường của máu và lửa. Các đơn vị đóng quân dọc đường mòn Hồ Chí Minh như Cha Lo, Làng Ho, Cà Xèng, Óc Sách, Cù Bai... đã tổ chức cho hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu để bảo vệ tuyến đường, làm nên những chiến công lẫy lừng như huyền thoại.

Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào đã diễn ra suốt 6 năm trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của cả hai nước còn hạn chế, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt và bom đạn tồn dư sau chiến tranh dày đặc, nhất là trên địa bàn biên giới hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. 30 năm sau, sự kiện Việt Nam - Lào ký Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới và Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền vào tháng 3/2016 đã kết thúc 7 năm thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới. Đồng thời, mở ra một thời kỳ hợp tác và phát triển toàn diện cho hai nước nói chung và khu vực biên giới Việt Nam - Lào nói riêng.

Trên biên giới Quảng Bình, cuối năm 2011, tỉnh Quảng Bình cùng hai tỉnh Khăm Muộn và Savannakhet đã hoàn thành việc tôn tạo, tăng dày tổng số 61 mốc trên tuyến biên giới Việt - Lào trên địa bàn của tỉnh. Bà Nguyễn Hương Giang, khi đó là Trưởng phòng Biên giới, Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Bình cho biết, tuyến biên giới Việt-Lào qua tỉnh có địa hình thuộc loại phức tạp, hiểm trở nên việc thực hiện tôn tạo, tăng dày cột mốc gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng tình hữu nghị, đoàn kết, nhất trí cao, tỉnh Quảng Bình cùng với hai tỉnh Khăm Muộn và Savannakhet không ngừng đẩy nhanh việc tôn tạo, tăng dày cột mốc nên cơ bản đáp ứng hoàn thành đúng thời gian và đảm bảo đúng các yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng... theo quy định.

Hoạt động của các đội phân giới cắm mốc vô cùng hiệu quả với sự phối hợp nhịp nhàng của hai bên. Đại tá Xổm Khen Ắp Pả Xỏn, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khăm Muộn chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy sự phối hợp giữa các lực lượng bảo vệ biên giới Lào – Việt có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xây dựng biên giới hai bên ngày càng ổn định và phát triển. Chúng ta cần có sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt hơn nữa từ phía lãnh đạo Trung ương và địa phương hai nước, hai tỉnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Còn Thượng tá Lê Đình Lân, nguyên Đội trưởng Đội cắm mốc số 1 tỉnh Quảng Bình cho biết: “Biên giới Quảng Bình có dãy núi Giăng Màn với độ cao 1.500m so với mực nước biển, nhiều vị trí cắm mốc phải trèo qua vách núi dựng đứng. Vùng biên giới thuộc các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy đầy núi đá chông hay còn gọi là đá tai mèo sắc như dao, chỉ vài giọt nước mưa hoặc sương mù rơi xuống, thì mặt đá trơn như xà phòng, trượt chân, trượt tay là nguy hiểm đến tính mạng”.

Cột mốc nổi tiếng nhất của dải biên thùy này chính là mốc 528, được cắm tại cặp cửa khẩu quốc tế Cha Lo - Na Phầu, tỉnh Quảng Bình và tỉnh Khăm Muộn. Đây là mốc đơn, cỡ đại, làm bằng đá hoa cương, cắm trên đèo Mụ Giạ, tại giao điểm giữa quốc lộ số 12 với đường biên giới thuộc địa bàn xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa có tọa độ là 17.671909, 105.7654. Nổi tiếng bởi cái tên Cha Lo đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, vì kỳ quan thiên nhiên Cổng Trời - Cha Lo được hình thành từ hai tảng đá tự nhiên chụm đầu vào nhau tạo nên một cổng vòm tựa như ranh giới của đất và trời. Đồng bào Vân Kiều, Pa Cô nơi đây vẫn lưu truyền sự tích đôi trai gái có tên là Y Leng và Thông Ma là người yêu của nhau nhưng rồi cô gái bị thuồng luồng bắt nhốt vào hàng núi. Để cứu người con gái mình yêu, chàng trai đã giao tranh với thuồng luồng suốt mấy ngày đêm, hai hòn đá đã rơi xuống và tạo bên cửa vòm hiện nay.

Vị trí đặt mốc hiện nay, có lẽ được đổi bằng máu và xương thịt của biết bao người con yêu nước trong những tháng ngày bảo vệ đường 12A chiến lược, nằm trong hệ thống đường Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Trong suốt cả cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc ta, không ngày đêm nào Cha Lo ngớt tiếng bom đạn Mỹ. Hòng chia cắt, phá hủy con đường chiến lược của cách mạng Việt Nam, Mỹ-ngụy đã dội xuống nơi đây hàng trăm ngàn tấn bom, đạn để ngăn chặn các đoàn xe vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam. Vững vàng trên chốt lửa, Đồn Biên phòng Cha Lo (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo), Tiểu đoàn 929 BĐBP, Tiểu đoàn 14 Quân khu 4 đã chốt giữ đêm ngày để bảo vệ biên giới và an ninh khu vực. Đồn Biên phòng Cha Lo vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 22/12/1967.

Ông Nguyễn Văn Sơn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Biên giới và Địa giới, Cục Bản đồ, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn nhớ chuyến khảo sát mốc 537. Ông kể, trên đường tới vị trí cắm mốc, có những đoạn đường, các thành viên trong đoàn chúng tôi phải bám hai chân, hai tay vào vách đá. Đường đến mốc chủ yếu là đường tự tạo, vừa đi, vừa phát quang cây rừng để tìm đường. Khi gần tới nơi dò trên bản đồ, chiếc GPS báo chỉ còn 300m nữa, nhưng cả đoàn loay hoay không biết cách nào tới được. Bốn bề là núi rừng thăm thẳm, xung quanh toàn núi đá phong hóa vừa bám tay vào lại tuột ra. Cuối cùng, với quyết tâm cao độ, đoàn cũng đã đến được vị trí mốc, vượt đoạn đường khoảng 300m trong gần 4 giờ. Lên tới đỉnh, nhìn xuống dưới chân ba bề bốn bên chỉ thấy vực sâu hun hút, vách đá dựng rợp mắt nhìn.

Đi điền dã lên mốc 537 đã khó, việc tời mốc qua những mỏm núi vòng cung nơi đây là cả một thử thách. Người lính Biên phòng tham gia công tác này phải dùng cây gỗ làm cần cẩu, dây cáp bằng lõi thép hoặc xích sắt chằng chéo làm tời, trong đó có hai dây chịu tải trọng chính, hai dây dự bị. Cột mốc được bọc bằng những lốp xe cỡ đại để đảm bảo không bị sứt mẻ khi va vào đá núi, mỗi lần tời là mỗi lần người lính phụ trách cột mốc lại đu theo để ra hiệu lệnh kéo - tời ăn khớp, tránh được những vật cản như cành cây, chóp đá nhọn. Thậm chí, khi mốc có nguy cơ đập vào sườn núi phải đu mình, dùng chân gắng sức đạp mốc ra xa. Mất hơn một tháng thì đưa được mốc lên vị trí đỉnh núi cao nhất xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, có tọa độ là 17.360852, 106.091878, thuộc địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Cà Roòng.

Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, Cổng Trời - Cha Lo với hàng ngàn vết bom cày, đạn xé đã thay da đổi thịt. Tuyến biên giới miền Tây năm nào trong bài hát đã thực sự bừng sáng lung linh với những công trình mới, những huyền thoại mới về công cuộc vượt khó của đồng bào Chứt và những làng văn hóa – du lịch đầy bản sắc của đồng bào nơi đây. Các đồn Biên phòng trên tuyến đường huyền thoại năm nào vẫn phát huy truyền thống vẻ vang, góp phần xây dựng nơi đây trở thành điểm sáng trên vùng biên giới phía Tây Tổ quốc...

 

Theo bienphong.com.vn

Tin tức khác